Năm 2018 chỉ đáp ứng được 79% nhu cầu vốn đầu tư
Giảm bội chi ngân sách Nhà nước là rất khó | |
Để tài khóa bền vững mà không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế | |
Để đảm bảo thu cho ngân sách Nhà nước |
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 ước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, bằng 33,42% GDP, cao hơn so với kế hoạch đề ra (31,6%) và tăng 12,6% so với năm 2016. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi có khả năng giải ngân trong năm khoảng 4,6 tỷ USD.
Theo như số Quốc hội đã quyết định, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2017 là 307.150 tỷ đồng, đã giao kế hoạch 305.171 tỷ đồng (99,35% kế hoạch) và hết tháng 9 đã giải ngân được 164.510 tỷ đồng (53,9% kế hoạch).
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2017 là 67.287,367 tỷ đồng. Nhưng đến nay giao vốn cũng chậm, giải ngân cũng chậm, mới giao kế hoạch được 19.420,36 tỷ đồng, bằng 38,8% kế hoạch, hết tháng 9 mới giải ngân được 7%.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc giao vốn chậm một phần cũng bởi theo quy định, vốn cho dự án mới khởi công năm sau phải được duyệt từ trước ngày 31/10 năm trước nhưng các dự án đề xuất khởi công mới năm 2017 đều có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2016 nên không đủ điều kiện để được giao vốn.
Bên cạnh đó, giải ngân chậm vì một số bộ, ngành và địa phương chưa quán triệt đầy đủ các quy định trong việc phân bổ vốn đầu tư như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định; thủ tục đầu tư chưa được hoàn thiện... Việc chuẩn bị phương án phân bổ vốn của nhiều bộ, ngành và địa phương kéo dài, gửi báo cáo chậm so với thời gian quy định làm chậm quá trình tổng hợp và ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch chung của cả nước.
Chính phủ cũng báo cáo thêm: “Tình trạng ỷ lại vào ngân sách trung ương vẫn chưa được khắc phục. Chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, thường dành vốn cho các mục tiêu khác và sau đó, trong quá trình triển khai thực hiện lại đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đối ứng”.
Thẩm tra về NSNN 2017, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, giải ngân rất chậm, dù một phần do nguyên nhân khách quan, nhưng “trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động đến tăng trưởng kinh tế và giảm thu NSNN”.
Để giải ngân hết kế hoạch được giao, Chính phủ đã yêu cầu các bộ và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2017 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch trong năm 2017, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước, điều chuyển cho các dự án khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết điều hành nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2017 chặt chẽ, cắt giảm dự toán các dự án, nhiệm vụ chậm triển khai, đảm bảo giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội cho phép cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Theo đó, trình Quốc hội cắt giảm dự toán vốn TPCP năm 2017 là 14.030 nghìn tỷ đồng, đồng thời tăng 14.300 tỷ đồng theo kế hoạch vốn ngoài nước để bổ sung dự toán và quyết toán đối với số vốn đầu tư đã giải ngân từ các nhà tài trợ năm 2016 trở về trước nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán.
Theo dự kiến của Chính phủ, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2018 huy động khoảng 1.860-1.897 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33-34% GDP. Trong đó: Vốn đầu tư từ NSNN năm 2018 (bao gồm: vốn TPCP, bội chi ngân sách địa phương, xổ số kiến thiết và vốn từ nguồn thu từ tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp) là 399,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21-21,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài dự kiến tổng vốn đăng ký là 27,5-28,5 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 21 tỷ USD (trong đó: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 17,5 tỷ USD và vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 3,5 tỷ USD). Dự kiến ký kết hiệp định vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2018 khoảng 3,6 tỷ USD, giải ngân khoảng 4,8 tỷ USD. Số vốn giải ngân được cân đối một phần vào NSNN, một phần cho vay lại thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tài chính khác.
Theo Chính phủ, tổng hợp nhu cầu đầu tư nguồn vốn NSNN năm 2018 do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 502.895,14 tỷ đồng, trong đó: Vốn trong nước khoảng 431.993,14 tỷ đồng, vốn nước ngoài khoảng 70.902 tỷ đồng. “Nhưng do cân đối NSNN có nhiều khó khăn, nên chỉ bố trí được 399.700 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, bằng khoảng 79,5% nhu cầu của các bộ, ngành và địa phương”, Chính phủ báo cáo.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, vốn đầu tư phải được bố trí theo đúng quy định và đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương không quá 30% tổng vốn đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương trong năm. Đặc biệt, chỉ bố trí dự toán cho các công trình, dự án có tiến độ giải ngân tốt. Tính đến hết tháng 30/9/2017, dự án giải ngân được ít nhất 35% số vốn được giao đầu năm 2017 thì mới bố trí vào dự toán năm 2018, hạn chế việc giải ngân chậm.