Nền kinh tế tiếp tục xu hướng cải thiện
Lạm phát cao hơn song vẫn trong tầm kiểm soát được | |
Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 | |
Phải hội nhập bằng nền kinh tế thực |
Dấu hiệu cảnh báo gia tốc đang giảm
Thực tế tăng trưởng chậm lại của quý I vừa qua khiến nhiều quan ngại xuất hiện.
Báo cáo về triển vọng kinh tế mới đây của Khối nghiên cứu, Ngân hàng ANZ nhận định, dù tăng trưởng quý I của Việt Nam không đạt như kỳ vọng và dù còn các thách thức từ suy giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp (giảm -2,69% trong quý I) nhưng tổ chức này dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt 6,9%.
Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng HSBC… cũng nhận định kinh tế năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, ở mức xung quanh 6,7%. Các yếu tố như tăng trưởng tốt của ngành công nghiệp và dịch vụ, FDI tiếp tục tăng, xuất khẩu cải thiện; tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng… là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.
Trong khi các nhận định lạc quan như vậy không thiếu – và phần lớn dựa trên những kết quả tích cực, vượt kỳ vọng của năm 2015 - thì thực tế tăng trưởng quý I vừa qua khiến nhiều quan ngại cũng xuất hiện.
Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2016 tiếp đà phục hồi, thị trường BĐS đã ấm dần lên |
Báo cáo kinh tế quý I của Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng 5,46% của quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước cho thấy dấu hiệu chững lại nếu so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011. Như vậy trong giai đoạn 2011-2015, mức tăng trưởng của quý I vừa qua chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014.
Báo cáo kinh tế tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) mới đây cũng đưa ra một nhận định tương tự, thậm chí còn thể hiện lo ngại lớn hơn.
Theo đó, dù tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2016 tiếp đà phục hồi, song gia tốc đang chậm lại. Tổng cầu quý I/2016 tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là những nguyên nhân chính của tình trạng này. Biểu hiện cụ thể là, tiêu dùng cuối cùng quý vừa qua chỉ tăng 6,87%, thấp hơn mức tăng 8,67% quý I năm 2015.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là các nhóm hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước giảm mạnh: Máy móc thiết bị giảm 13,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 9,6%; xăng dầu giảm 33,8%.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp – một trong những chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay thì cũng đã có dấu hiệu chững lại. Quý I vừa qua, chỉ số này ước tính chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2015 (9,3%). Trong đóngành chế biến, chế tạo tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2015 tăng 9,7%).
Niềm tin vào tiền đồng tăng, lãi suất có thể nhích lên
Tỷ giá VND/USD tại các NHTM vẫn được giữ ổn định trong biên độ của tỷ giá trung tâm do NHNN đưa ra, dao động quanh mức 22.200 - 22.500 VND/USD trong quý vừa qua. Tỷ giá kỳ hạn NDF tháng 3/2016 không có sự thay đổi so với tháng trước và chỉ số CDS tiếp tục có xu hướng giảm.
Theo UBGSTCQG, điều đó cho thấy niềm tin vào đồng Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ổn định. Lý do đến từ cả bên trong và bên ngoài. Cụ thể, việc FED tỏ ra thận trọng lộ trình tăng lãi suất theo thông điệp đã đưa ra và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong quý I/2016 không biến động nhiều đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Mặt khác, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 cũng đã giúp bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, qua đó hạn chế việc tỷ giá bị điều chỉnh đột ngột, cũng như giúp loại bỏ tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.
Trong khi đó về lãi suất, phân tích của UBGSTCQG cho thấy, lãi suất liên ngân hàng quý I/2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015. Trong lúc lãi suất huy động ngắn hạn chỉ biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng thì mặt bằng lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (phổ biến ở mức 7% - 8%/năm).
Nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng lãi suất kỳ hạn dài là do một mặt, tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng trên 30% đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống NHTM.
Mặt khác, các NHTM muốn tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu trước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.
Theo dự báo của UBGSTCQG trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015. Lý do vì lạm phát năm 2016 dự báo tăng cao hơn năm 2015 và nhu cầu tăng vốn huy động nói chung của hệ thống TCTD, đặc biệt là tăng vốn huy động kỳ dài hạn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 sửa đổi. “Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” – báo cáo này nhận định.
Dựa trên Chỉ số dẫn báo tổng hợp (LEI) cập nhật đến tháng 2/2016, UBGSTCQG dự báo, chu kỳ suy giảm tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đã bắt đầu từ quý II/2015 và sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2016. Tuy nhiên, sự suy giảm ngắn hạn này sẽ được bù đắp bởi sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng dài hạn do những cải thiện về đầu tư cũng như môi trường kinh doanh. Do đó, năm 2016 nền kinh tế vẫn tiếp tục xu hướng cải thiện, mặc dù mức độ cải thiện sẽ thấp hơn năm 2015. |