Phải hội nhập bằng nền kinh tế thực
Năm 2016, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mới, với các tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Theo ông, liệu nền kinh tế có đủ sức tiếp nhận những thách thức mới hay không?
Ông Phạm Nam Kim |
Năm 2015, kinh tế thế giới đã có nhiều biến động tiêu cực, ở trong nước sự phục hồi cũng chưa vững chắc. Tình hình khó khăn này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu, nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cùng lúc đó, năm 2016 đánh dấu một kỷ nguyên mới về hội nhập với một loạt các hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay.
Vì vậy nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Thách thức thứ nhất là làm sao đủ sức khai thác những thị trường mới mà hội nhập mang lại. Thách thức thứ hai làm sao bảo vệ được thị trường nội địa trước làn sóng đầu tư của nước ngoài.
Cuối tháng 12, Singha Group của Thái Lan đã chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm cổ phần hai công ty con của Tập đoàn Masan Việt Nam, có thể các bà nội trợ Việt Nam chỉ ít lâu nữa sẽ dùng nước mắm của một công ty Thái Lan. Với nhiều cuộc xâm nhập nữa sắp tới, rất có thể ít lâu nữa bữa cơm của nhiều người dân Việt Nam sẽ bao gồm thịt bò Úc, thịt gà Mỹ, nấu bằng dầu Mã Lai với rau Thái, gạo Thái…
Tuy nhiên, hành trang của chúng ta bước vào năm 2016 có nhiều điểm tích cực. Các chỉ số vĩ mô cuối năm 2015 cho thấy các khó khăn của đầu thập niên dường như đã được bỏ lại đằng sau. Mặc dù, nếu soi cho kỹ thì tăng trưởng GDP năm 2015 cao là nhờ phần lớn ở khu vực FDI và ngành xây dựng, bất động sản, còn hai ngành cốt lõi của nền kinh tế quốc gia là khu vực công nghiệp trong nước và nông nghiệp vẫn khó khăn. Tình hình kinh tế 2015 có thể ví như một “bệnh nhân” đã hết cơn sốt, nhưng chưa hoàn toàn khỏi bệnh.
Vậy nên đầu tư thế nào để tận dụng được những lợi thế trong quá trình hội nhập?
Để xác định được hướng đầu tư và hành động đầu tư đúng thì phải nhìn vào nền kinh tế từ quá khứ đến dự báo tương lai. Nhìn lại một cách khách quan quá trình phát triển của thời kỳ đổi mới, nếu 20 năm đầu chúng ta thực sự cấu tạo một nền kinh tế sản xuất, thì 10 năm trở lại đây chúng ta đổ dồn nguồn lực vào “kinh tế ảo”, dựa trên mua đi bán lại và chênh lệch giá thị trường để sinh lời, người người, nhà nhà đầu cơ, ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng không thoát khỏi cạm bẫy đầu cơ, đầu tư ngoài ngành.
“Kinh tế ảo” ngoài bản chất phi kinh tế ra còn mắc bệnh kinh niên là bất ổn định, sáng nắng, chiều mưa tùy theo những cơn lốc thông tin và tâm lý đánh bạc của nhà đầu cơ. Nếu kinh tế ảo đã đưa đến khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, thì tại Việt Nam nó đã đưa đến sự suy thoái kinh tế cho những năm vừa qua, khi thị trường chứng khoán lao dốc, bong bóng bất động sản xì hơi…
Trước tình trạng đó, phải triệt để ngăn chặn đầu cơ, nhưng về căn bản vẫn là phải tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế thực và bỏ ra rìa kinh tế ảo. Để thực hiện mục tiêu này Nhà nước đã đi những bước đúng hướng khi đề ra ba trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công.
Nếu không triệt để tái cơ cấu nền kinh tế thì nguy cơ suy thoái của những năm trước có thể trở lại do tác động của khối kinh tế “ảo” và ngay cả với khối kinh tế thực, nếu không khéo chuẩn bị cho một giai đoạn mới của hội nhập kinh tế.
Nếu không triệt để tái cơ cấu nền kinh tế thì nguy cơ suy thoái của những năm trước có thể trở lại |
Ông có thể cho biết hướng đầu tư tương lai của đất nước này trong giai đoạn tới đây?
Để có định hướng đầu tư và quyết sách đầu tư đúng, cần nhìn lại để thấy sau nỗ lực tái cơ cấu, thì nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Chính phủ đã xác định sẽ lại tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu trong giai đoạn hội nhập sắp tới.
Vấn đề của Chính phủ đang là nguồn vốn khi nợ công đã đến mức báo động. Nguồn vốn quan trọng có thể huy động là vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy phải có chính sách rõ rệt và minh bạch để thu hút vốn FDI cũng như đầu tư tài chính từ nước ngoài. Tình hình kinh tế thế giới đang rất thuận lợi để chúng ta thu hút nguồn vốn này.
Đối với ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua, với tái cơ cấu DNNN cần chú trọng việc loại bỏ những đặc quyền hiện có để đáp ứng luật chơi mới và cũng là động cơ để chuyên nghiệp hóa những DN này. DNNN đã lui dần khỏi nhiều lĩnh vực, mở rộng dư địa cho đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực này.
Về ngân hàng, quy mô phải tương xứng với thị trường hội nhập, vì vậy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ nâng lên cao hơn những mục tiêu sáp nhập và hợp nhất ngân hàng đã được đề cử.
Với tình hình ngân sách hiện nay, phương án tốt nhất của Chính phủ là kêu gọi vốn nước ngoài và liên kết với các ngân hàng của đối tác hội nhập. Với đầu tư công, để tăng hiệu quả không gì bằng theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, dùng hình thức đầu tư BOT, và đây là cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.
Để hội nhập thành công thì phải hội nhập bằng kinh tế thực. Và hành động đầu tư cần hướng vào kinh tế thực, như thế kinh tế thực đang là cơ hội để đầu tư.
2016 là năm “bản lề”, rất quan trọng để xây dựng tương lai đất nước trong bối cảnh hội nhập. Để làm được như vậy chúng ta phải có cả tâm và tầm. Mỗi người dân, mỗi DN hãy là một nhà đầu tư thông minh. Và tôi tin lựa chọn thông minh sẽ thắng, hội nhập sẽ thành công, và tôi chúc các nhà đầu tư thành công, đất nước ta hội nhập thành công.
Xin cảm ơn ông!