Nền tảng cho thành phố thông minh
Hướng về người dân
Hướng tới một thành phố thông minh, TP. Đà Nẵng đã công bố đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng”. Mục tiêu của đề án đặt ra là đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ hoàn thành việc xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Asean. Đến nay, Đà Nẵng đang là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước công bố thực hiện đề án như thế này.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới đã và đang cố gắng, nỗ lực hết mình trong việc tiếp cận, triển khai xây dựng thành phố thông minh. Từ đó, tiến đến việc chuyển quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang tự động dựa trên khoa học và công nghệ. Trong đó, tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Bên cạnh việc triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh là một nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, TP. Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Asean.
Xây dựng thành phố thông minh góp phần tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng |
Được biết, khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt, đã xác định rõ 6 trụ cột trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm: Quản trị thông minh; kinh tế thông minh, giao thông thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh và công dân thông minh.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho đề án khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn được kêu gọi từ nguồn xã hội hóa, hay hợp tác đầu tư công tư. Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Giai đoạn 2 từ năm 2021-2025 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng. Giai đoạn 3 từ năm 2026-2030 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh 3 giai đoạn chính của dự án, chính quyền thành phố cũng sẽ đầu tư các dự án nhằm phổ biến các ứng dụng thông minh đến cộng đồng, doanh nghiệp...
Cũng theo ông Lê Trung Chinh, mục tiêu cuối cùng của đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng”, vẫn là phục vụ cho người dân, hướng về người dân và doanh nghiệp. Bởi, với việc xây dựng thành phố thông minh, chính quyền và các cơ quan Nhà nước sẽ sử dụng thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, phục vụ công tác quy hoạch dự báo, tạo môi trường quản lý hiện đại, hiệu quả. Đối với người dân, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận các thông tin một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo môi trường kinh doanh bền vững và cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thế mạnh công nghệ thông tin
Khác với nhiều địa phương khác, việc xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng đang có những thuận lợi. Trong đó, là những thế mạnh về phát triển công nghệ thông tin ở địa phương. Trong khi, công nghệ thông tin lại là một trong những thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Trên thực tế, 10 năm gần đây Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Index. Trong đó, thành phố nhiều lần đạt điểm tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước. Điều này, chứng tỏ ngành công nghệ thông tin ở địa phương đã đi vào chiều sâu, thực chất và liên tục cập nhật, cải tiến, một thuận lợi rất lớn cho việc xây dựng thành phố thông minh.
Hiện, Đà Nẵng có 5 khu công viên phần mềm, 1 khu công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park-DITP). Trong năm 2018, ngành công nghệ thông tin và truyền thông Đà Nẵng đạt doanh thu gần 28 nghìn tỷ đồng, tạo ra 25 nghìn việc làm, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu phần mềm 29%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển công nghệ thông tin ở Đà Nẵng cũng đang tồn tại những thách thức. Công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực ở địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng ngoại ngữ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hạ tầng ngành công nghệ thông tin ở thành phố vẫn chưa được đầu tư tương xứng.
Để xây dựng thành phố thông minh, nhiều chuyên gia cả trong nước lẫn quốc tế cũng đã hiến kế cho Đà Nẵng. Trong đó, theo bà Phạm Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đà Nẵng cần đảm bảo tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh; Sự chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; những sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình. Trước mắt, thành phố ưu tiên nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở dữ liệu. Trong đó, có dữ liệu không gian đô thị phục vụ cho sự phát triển toàn diện của thành phố.
Được biết, TP. Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch đề xuất với các bộ, ngành Trung ương giải quyết các vướng mắc về chính sách xã hội hóa trong hợp tác đầu tư công-tư (PPP), chính sách chia sẻ dữ liệu công nghệ thông tin, các bộ quy chuẩn thông tin hay quy chế quản lý sử dụng tài nguyên công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp lẫn khai thác và các dịch vụ về thành phố.