Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng Trung Quốc?
Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể không được ký trong năm nay | |
Nguy cơ mới gia tăng xung đột Mỹ-Trung về công nghệ | |
Mỹ và Trung Quốc đồng ý rút lại các hàng rào thuế quan |
Nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại
“Tôi không đặt ra thời hạn”, ông Trump nói với các phóng viên vào thứ Ba (3/12) ở London khi được hỏi liệu ông có muốn một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào cuối năm không. Sau đó, ông Trump tiếp tục phát biểu trong cuộc họp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau rằng, ông sẽ không ký kết trừ khi đó là một “thỏa thuận tốt”. “Nếu đó không phải là một thỏa thuận tốt, tôi sẽ không ký”, ông Trump nói.
Thậm chí nói chuyện với các phóng viên trong chuyến đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, ông Trump còn gợi ý rằng, tốt nhất là nên đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Căng thẳng Mỹ - Trung lại đột ngột tăng sức nóng |
“Tôi thích ý tưởng chờ đợi đến sau cuộc bầu cử đối với thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng họ muốn thực hiện một thỏa thuận ngay bây giờ và chúng tôi sẽ xem liệu thỏa thuận này có tốt hay không. Nó phải tốt”, ông Trump nói. “Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc phụ thuộc vào một điều: Tôi có muốn thực hiện không? Bởi vì chúng tôi đang làm rất tốt với Trung Quốc ngay bây giờ và chúng tôi thậm chí còn có thể làm tốt hơn…”.
Phát biểu của ông Trump cũng có nghĩa không cần thiết phải đạt được thỏa thuận vào ngày 15/12, thời điểm mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trước đó một ngày đã gọi là “thời hạn logic”. Sở dĩ như vậy là bởi 15/12 cũng chính là thời điểm mà chính quyền ông Trump đã lên kế hoạch sẽ tiếp tục áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa khác của Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh, đồ chơi và quần áo trẻ em.
Cũng vì lẽ đó nên các thị trường tài chính Mỹ đã rúng động sau phát biểu này của ông Trump. Thế nhưng, điều khá bất thường là ông dường như không để tâm tới điều này. “Tôi không quan tâm thị trường chứng khoán”, ông Trump nói, trái ngược hẳn với lời tweet ăn mừng mà ông thường làm mỗi khi thị trường chứng khoán bật tăng mạnh trước đây. Thay vào đó, ông nói tiếp: “Việc làm mới là điều mà tôi quan tâm” và “Tôi quan tâm: thực hiện một thỏa thuận hợp lý”.
Trước đó, Mỹ đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong và việc làm này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Ba cũng cho biết chính phủ nước này sẽ sớm công bố danh sách các thực thể không đáng tin cậy, có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt chống lại các công ty Mỹ. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị đe dọa.
Cú sốc đối với kinh tế toàn cầu
Chứng khoán toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng trước, một phần cũng bởi sự lạc quan ngày càng tăng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung sắp được ký kết để tiến tới chấm dứt cuộc chiến thương mại đã gây nhiều tổn thất cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này và đang phủ một bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Thế nhưng tất cả có thể sụp đổ khi mà những phát biểu mới đây của ông Trump cũng đồng nghĩa với nguy cơ Mỹ sẽ áp thuế 15% lên 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/12 tới có thể trở thành hiện thực.
“Nếu thuế quan đã được lên kế hoạch vào ngày 15/12 được thực thi, đó sẽ là một cú sốc lớn đối với thị trường”, Sue Trinh - Giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô toàn cầu của Manulife Investment Management tại Hồng Kông cho biết. “Ông Trump sẽ như là gã Grinch đánh cắp Giáng sinh”, bà nói.
“Tâm lý lo ngại rủi ro chắc chắn sẽ lan rộng trên toàn thị trường”, Tongli Han – Trưởng bộ phận đầu tư của Deepblue Global Investment cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. “Những gì xảy ra gần đây làm cho thỏa thuận thương mại này trở nên tốn kém hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vì vậy tôi đã nhìn thấy một tương lai ảm đạm trong ngắn hạn, trong khoảng 1-2 tháng tới”.
Cũng có chung cảm nhận như vậy, Steve Brice - chiến lược gia đầu tư tại ngân hàng tư nhân Standard Chartered cho biết, trong khi năm 2019 sắp kết thúc mà triển vọng của một thỏa thuận thương mại ngày càng lùi xa, đó chính là thời điểm để các nhà đầu tư không dám chấp nhận rủi ro.
“Có vẻ như nó (thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung) sẽ bị lui lại vào đầu năm tới trong kịch bản tốt nhất, Brice nói. Thông điệp gửi đến các nhà đầu tư là có thể cắt giảm nắm giữ cổ phiếu, hoặc không nên chạy theo thị trường trong giai đoạn này. “Nhưng hãy tìm cách làm như vậy trong vài tuần tới nếu chúng ta thấy mức giảm từ 5 đến 7%”. Về lâu dài, Brice vẫn tỏ ra lạc quan rằng “Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó. Điều đó sẽ làm giảm sự không chắc chắn và giúp nền kinh tế toàn cầu tốt hơn”.