Ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp
Xử lý “mạnh tay”
Sau chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định kéo dài thời gian phạt “thẻ vàng”, đối với thủy sản Việt Nam thêm 6 tháng. Theo đó, dù ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục những bất cập trong khai thác thủy sản thời gian qua, song EC cũng cho rằng, việc chống khai thác bất hợp pháp tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn hạn chế.
Cần nhiều giải pháp để ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp |
Trên thực tế, tại duyên hải miền Trung cũng như nhiều khu vực khác trong cả nước việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn đang gặp khó khăn. Đặc biệt, những năm trước đây tình hình tàu cá ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép diễn biến phức tạp. Nhiều tàu, thuyền lẫn ngư dân đã bị nước ngoài bắt giữ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến EC đã quyết định cảnh cáo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam như trong thời gian qua.
Kiên quyết ngăn chặn vấn nạn này, thời gian gần đây chính quyền các địa phương trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp “mạnh tay” và bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều ở khu vực. Bên cạnh những chủ tàu làm ăn nghiêm túc, chấp hành nghiêm chỉ giới khu vực được phép đánh bắt, vẫn còn một số hám lợi, cố tình xâm phạm trái phép lãnh hải các nước để khai thác thủy sản.
Trước đây, ngư dân địa phương thường xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Philippines. Sau đó, một số tàu còn chuyển đến đánh bắt bất hợp pháp ở những ngư trường xa hơn.
Nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân tổ chức khai thác bất hợp pháp ở các vùng biển quốc tế, thời gian gần đây các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi, đã quyết liệt vào cuộc. Theo đó, từ trên bờ khi phát hiện chủ phương tiện, thuyền trưởng có dấu hiệu đưa tàu và ngư dân đi đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài trái phép, lực lượng chức năng kịp thời có mặt gặp gỡ tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cũng sẵn sàng những biện pháp cụ thể để ngăn chặn. Trên biển, các lực lượng chức năng như, bộ đội biên phòng, kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm. Ngành chức năng ở địa phương cũng buộc chủ tàu khai thác hải sản xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Khi đi biển phải bật thiết bị 24/24h để kết nối với trạm bờ của cơ quan chức năng để theo dõi.
Đặc biệt, Quảng Ngãi áp dụng những mức xử lý cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Cụ thể, tước giấy phép khai thác vĩnh viễn, đồng thời xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm. Ngoài ra, kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cấp văn bản chấp thuận đóng tàu mới đối với chủ tàu cá tái phạm, tàu cá bị nước ngoài bắt giữ…
Bổ sung chế tài để ngăn chặn
Tương tự, Bình Định cũng là một trong những địa phương trước đây có số lượng tàu cá vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ tương đối nhiều ở khu vực duyên hải miền Trung. Nhưng, thời gian gần đây với nhiều nỗ lực, vấn nạn này đã thuyên giảm một cách rõ rệt.
Theo đó, năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 14 tàu với 99 ngư dân bị bắt, năm 2015 bị bắt 32 tàu với 299 ngư dân, năm 2016 bị bắt 37 tàu với 303 ngư dân. Ðến năm 2017 số tàu vi phạm lãnh hải chỉ còn 21 tàu.
Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài giảm mạnh. Địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 sẽ chấm dứt hoàn toàn tàu cá đánh bắt vi phạm lãnh hải các nước.
Để có được những kết quả khả quan trên, thời gian qua Bình Định cũng đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách. Trong đó, tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng xuống tận ngư dân tránh những vi phạm. Đồng thời, hỗ trợ ngư dân máy thông tin liên lạc tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS), giúp xác định chính xác vị trí khai thác, không để xảy ra những vi phạm.
Cũng như tại Quảng Ngãi, các tàu khai thác hải sản xa bờ, kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản ở Bình Định đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Những tàu cá khi hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện xâm phạm vùng biển các nước.
Cơ quan chức năng cũng có những biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình tắt thiết bị thông tin liên lạc. Đồng thời, không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với những tàu khi chưa trang bị hệ thống thông tin theo quy định.
Tuy vậy, theo cơ quan chức năng ở các địa phương trong khu vực, để ngăn chặn triệt để tình trạng ngư dân khai thác trái phép thủy sản ở những vùng biển nước ngoài, cần bổ sung thêm những chế tài phù hợp. Đơn cử như việc cấm mua bán, vận chuyển thủy hải sản liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp; hạn chế tiến tới tạm ngừng việc đóng mới, nâng cấp tàu cá làm nghề lưới kéo. Cùng với đó, có những biện pháp để kiểm soát và quản lý chặt chẽ nghề lặn.
Trên thực tế, với những gì đã làm được trong thời gian qua, nhiều người kỳ vọng với những biện pháp “mạnh tay” của chính quyền, các địa phương trong khu vực miền Trung như, Quảng Ngãi hay Bình Định sẽ sớm chấm dứt tình trạng ngư dân đánh bắt vi phạm lãnh hải nước ngoài. Từ đó, chung tay, hợp sức nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.