Ngành Ngân hàng Thái Bình: Chắp cánh xây dựng nông thôn mới
Tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới | |
Xây dựng nông thôn mới: Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí khó | |
Agribank - một điểm nhấn trong bức tranh xây dựng nông thôn mới |
Chung tay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Về Thái Bình vào những ngày này có thể dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay lớn ở những vùng nông thôn. Những con đường đất vào trời mưa thì lầy lội, nắng lên lại bụi bẩn của thập niên trước đã được thay bằng những dải bê tông khang trang, sạch đẹp, tất cả đều nhờ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thành quả ấy có được sau 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình tổng kết đến nay đã có 263/263 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 250/263 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân trên xã của toàn tỉnh đạt 19 tiêu chí/xã, tăng 14 tiêu chí so với năm 2010.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Thái Bình |
Cách làm hay của Thái Bình không chỉ bằng các văn bản chỉ đạo, mà quan trọng hơn cả là đưa xây dựng nông thôn mới trở thành một phong trào với sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà hệ thống Ngân hàng trên địa bàn được xem như là một điển hình.
"Đối với các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới của tỉnh có liên quan đến hệ thống Ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời tới từng ngân hàng, TCTD, từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành", bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Bình, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, NHNN tỉnh Thái Bình đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động tới các đơn vị trong toàn hệ thống với những công việc cụ thể, thiết thực như: Tổ chức hội nghị triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền các cơ chế chính sách mới, nhất là các chính sách ưu đãi về điều kiện tín dụng, lãi suất cho vay..., các giải pháp hoạt động của ngành Ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới, cũng như kết quả đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. NHNN tỉnh cũng phát động các đơn vị trong toàn hệ thống đăng ký các chỉ tiêu thi đua, các địa phương hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch thực hiện, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nguồn vốn, cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới...
Nhằm "đánh" trúng vào điểm còn thiếu ở nông thôn, đảm bảo "100% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh" theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống người dân, NHNN tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, đề nghị UBND tỉnh bổ sung đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện chương trình. Bên cạnh những chính sách ưu đãi về hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi về tiền thuê đất, về thuế thu nhập doanh nghiệp, NHNN tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng đối với các dự án vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng công trình, tạo động lực về kinh tế cho các nhà đầu tư tham gia chương trình, đồng thời khuyến khích các TCTD trên địa bàn tích cực cho vay các dự án đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn.
Đến nay, trong số 31 dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp theo chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh, hệ thống Ngân hàng Thái Bình thực hiện cho vay 25 dự án, số tiền cam kết cho vay gần 425 tỷ đồng, số đã giải ngân gần 385 tỷ đồng, dư nợ trên 280 tỷ đồng; NHNN Chi nhánh tỉnh đã thẩm định, cùng các ban, ngành trình UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho 17 dự án, số tiền hỗ trợ 16,5 tỷ đồng.
Không chỉ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp "đầu vào" ở khu vực tam nông, mà hệ thống các TCTD Thái Bình còn không ngừng mở rộng mạng lưới cung ứng vốn, để người dân lắp đặt các công trình nước sạch. Trong đó, ngành Ngân hàng Thái Bình đã tích cực cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với hàng trăm ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được vay hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư, sử dụng các công trình nước sạch hợp vệ sinh, đến nay còn hơn 72.500 khách hàng còn dư nợ 875,8 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thái Bình, kết quả đầu tư vốn tín dụng ngân hàng nói chung, đầu tư vốn xây dựng nông thôn mới nói riêng đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của tỉnh.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Tuyết Trinh, vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng, phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, tín dụng còn thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ...; Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ... góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Tín dụng sẽ được tập trung cho các tiêu chí trọng điểm
Với hàng loạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020 phải có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 5% số xã trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 1,5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu… thì nhiệm vụ, vai trò của hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng rất lớn. Xác định được điều này, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Trước tiên, chúng tôi sẽ tăng cường điều tra, khảo sát, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục vụ công tác lập kế hoạch nguồn vốn, đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới của tỉnh”, lãnh đạo NHNN tỉnh chia sẻ.
Từ việc khảo sát nắm bắt nhu cầu vay vốn, NHNN tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, có các giải pháp chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn mở rộng, đa dạng hóa phương thức cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cho vay các vùng sản xuất nông sản hàng hóa; cho vay doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.
Giải pháp cung ứng vốn nữa được hệ thống ngân hàng trên địa bàn đặt ra là tăng cường cho vay phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề; phát triển hệ thống chợ đầu mối; cho vay hợp tác xã; cho vay phát triển thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, phát triển du lịch; thực hiện tốt cho vay theo các chương trình của Chính phủ, cho vay xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, để đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống TCTD sẽ tập trung vào 3 nội dung - tiêu chí cơ bản (hạ tầng kinh tế xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hoá, xã hội, môi trường); các chương trình, Đề án của tỉnh phục vụ xây dựng nông thôn mới; cùng với đó là các lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường, cho vay hợp tác xã điện năng, môi trường, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: đậu tương, ớt, khoai tây, ngô, lúa chất lượng cao; các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công nghiệp, chợ nông thôn, hộ nghèo, học sinh, sinh viên, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nước sạch môi trường để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đặt ra.
Theo NHNN Chi nhánh Thái Bình, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 Chi nhánh ngân hàng và 85 QTDND. Các TCTD đã thành lập 7 Chi nhánh cấp huyện, 60 phòng giao dịch, 48 QTDND mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 267 điểm giao dịch của NHCSXH tại địa bàn nông thôn, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. |