Ngày 17/1/2018: Chào bán 242 triệu cổ phần của BSR
Sẽ cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Than - Khoáng sản vào năm 2019 | |
Cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC | |
Gỡ vướng cho thoái vốn và cổ phần hóa DNNN |
Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Ảnh minh họa |
Phương án cổ phần hóa BSR đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt tại Quyết định 1978/QĐ-TTg. BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa với 3,2 tỷ USD.
Theo phương án được phê duyệt, BSR có vốn điều lệ hơn 31 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 43% vốn điều lệ với số cổ phần là 1.333.214.835 cổ phẩn.
BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu (dự kiến sẽ bán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ngày 17/1/2018).
Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.
“Theo tính toán lần IPO này sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD”, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR dự tính.
Ông Nguyên cho biết, sau khi gửi thư mời quan tâm, BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược. Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%) gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt các công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới và khu vực đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại BSR. Trong đó có Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha). Đại diện Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô… của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Các thành viên trong hội đồng dầu khí các Quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) cũng đã tới Nhà máy lọc dầu Dung Quất tìm hiểu cơ hội và mong muốn hợp tác đầu tư mua cổ phần của BSR như Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), SRC (Singapore).
Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), Pcông ty dầu khí lớn nhất của Thái và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait cũng đã đánh tiếng muốn mua cổ phần của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chủ tịch HĐTV BSR - ông Nguyễn Hoài Giang cho biết, Petrolimex và BSR đã tính toán chiến lược về hợp tác ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn.
Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết, hiện BSR vẫn đang cân nhắc, chưa chọn đối tác chiến lược chính thức. Nhà đầu tư chiến lược của BSR phải là các đối tác lớn có năng lực tài chính đủ mạnh (có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu là từ 10.000 tỷ đồng trở lên), phải cùng ngành nghề để phát triển lọc hóa dầu tại Việt Nam.
Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết đồng hành gắn bó lâu dài để hỗ trợ BSR thực hiện dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm định hướng hóa dầu của BSR trong thời gian tới, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Công ty trong dài hạn.
BSR sẽ ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu và/hoặc có tiềm lực về thị trường/có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa.