Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho xử lý nợ xấu
Thực hiện Nghị quyết 42: Số lượng khách hàng tự trả nợ đã tăng | |
Xử lý nợ xấu: Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ |
Lũy kế đến 30/6/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 263,51 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 |
Hiệu quả tích cực song hành vướng mắc
“Từ khi có Nghị quyết 42 số lượng khách hàng tự trả nợ đã tăng lên. Điều đó đã chứng minh Nghị quyết này là văn bản rất hữu ích cho xử lý nợ xấu”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Theo lũy kế đến 30/6/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 263,51 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã xử lý được 64,97 nghìn tỷ đồng. Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ. Điều này phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc NHNN Hà Nội cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến nay, nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết 42 của các TCTD trên địa bàn là 46,48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 16,38 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,2%); xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 8,42 nghìn tỷ đồng (chiếm 18,1%); nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 21,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 46,7%%).
Ngoài ra, đến thời điểm 30/6/2019 các TCTD trên địa bàn đã sử dụng 26,45 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42.
“Có thể nói, sau 2 năm Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn Hà Nội đã chuyển biến giảm rõ nét. Cụ thể, tại thời điểm 31/7/2017 tỷ lệ nợ xấu là 2,8%/tổng dư nợ; đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,02%/tổng dư nợ”, ông Tuấn thông tin. Tuy nhiên, theo các TCTD trên địa bàn, vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Cụ thể, tại một số địa phương, công tác triển khai Nghị quyết 42 chưa được các cấp chính quyền (quận, huyện – PV) và cơ quan hữu quan chưa tiến hành quyết liệt, còn thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó, mặc dù quyền thu giữ TSBĐ của TCTD được xem như một trong những đột phá của Nghị quyết 42, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản. Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ TSBĐ đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ TSBĐ. Trong khi đó, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này.
Vì vậy, các TCTD cần đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng và rất khó thuyết phục khách hàng ký phụ lục khi đã phát sinh nợ quá hạn. Ngoài ra, ngay cả với những khoản vay đáp ứng được điều kiện này, thì việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.
Bà Phạm Thị Trung Hà – Phó tổng giám đốc MB nêu thực tế, gần đây người vay lại rủ nhau chây ì trong việc hợp tác với ngân hàng: “Theo quy định của Nghị quyết 42 khi thu giữ tài sản thì không cần có mặt của chủ tài sản nhưng họ vẫn tìm hết cách này cách khác làm đơn thư đi kiện gây áp lực cho các cơ quan thực thi và trở lại quy trình cũ “cứ kiện lại dừng lại, không thu giữ”.
Ngoài ra, Nghị quyết 42 chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan Công an nói chung trong việc thu giữ TSBĐ là “Cơ quan Công an nơi có TSBĐ” (đối với tài sản là bất động sản) và “Cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ” (đối với tài sản là động sản) mà không quy định rõ là cơ quan Công an cấp nào (cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã), đây là điểm vướng mắc lớn đối với công an các cấp trong quá trình phối hợp với các TCTD để đảm bảo an ninh trật tự khi tiến hành thu giữ TSBĐ.
“Đến Công an quận, huyện thì bảo việc này của xã, phường nhưng xuống phường, xã lại bảo nhiệm vụ này của quận, huyện”, ông Nguyễn Danh Thắng – Giám đốc Trung tâm xử lý nợ của BIDV còn cho biết.
Quang cảnh hội nghị |
Cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thực thi
Một khó khăn nữa là về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ cũng được các TCTD nêu tại Hội nghị. Mặc dù Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu (theo Nghị quyết 42) tại Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 03 vẫn còn hạn chế. Bởi vì, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án vẫn rất khó khăn, như việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý nên việc xác nhận này rất khó thực hiện. Ngoài ra, tòa án cấp dưới chưa mạnh dạn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn vì chưa có “tiền lệ”, tâm lý “sợ sai sót” trong quá trình xử lý vẫn hiện hữu.
Hay như tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định: “Cơ quan quản lý bất động sản chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản khi đã có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc xác nhận của cơ quan thuế về khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản thuộc được miễn thuế hoặc tạm thời chưa thu thuế”. Tuy nhiên, hiện tại nhiều văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại Hà Nội chưa áp dụng thực hiện đối với trường hợp TSBĐ phát mại được tạm thời chưa thu thuế.
Trước những vướng mắc trên, NHNN Hà Nội và các TCTD trên địa bàn kiến nghị, Bộ Tài chính cần bổ sung thêm trường hợp việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế, từ đó góp phần thúc đẩy và giải quyết khó khăn trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hướng dẫn các Văn phòng đăng ký đất đai về thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp TCTD thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42; Hội đồng Thẩm phán cần sớm có hướng dẫn cụ thể với những quy định nêu trên, biện pháp áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để Nghị quyết 03 phát huy được hiệu quả xử lý trong thực tế như kỳ vọng của các nhà làm chính sách.
Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, khi có Nghị quyết 42 nhiều khách hàng đã tự nguyện tìm cách trả nợ và cũng có những lần thu nợ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, để việc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn cần phải tháo gỡ những vướng mắc khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu tại hội nghị để việc xử lý nợ xấu được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, những vướng mắc, khó khăn, những kiến nghị tại các cuộc họp trước đó và tại hội nghị này sẽ được NHNN Việt Nam tập hợp báo cáo lên Chính phủ.
Khẳng định Nghị quyết 42 rất quan trọng trong việc xử lý nợ xấu, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội luôn xác định triển khai Nghị quyết này là nhiệm vụ chính trị quan trọng vì các trụ sở chính của các NHTM đều nằm trên địa bàn. Với tinh thần đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị để phản ảnh tới các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vẫn biết Nghị quyết 42 là cần thiết và có hiệu quả, nhưng những khó khăn vướng mắc không tháo gỡ thì hiệu quả không cao, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, sở ngành của thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định của Trung ương, Quốc hội trong việc xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và TSBĐ của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, QTDND trên địa bàn thành phố.
“TP. Hà Nội phải thực hiện đánh giá giữa nhiệm kỳ việc triển khai Nghị quyết và các cấp chính quyền nào vào cuộc chưa đồng bộ, nhất là khu vực ngoại thành triển khai chưa tốt cần chấn chỉnh ngay”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.