Nghịch lý nguồn nhân lực
“Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, người lao động Việt Nam nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Nhưng nguồn nhân lực Việt Nam lại có kỹ năng thấp, có những điều vô lý không chấp nhận được như thế vẫn tồn tại”, GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thốt lên như vậy.
Còn các DN đang hoạt động tại Việt Nam luôn không tuyển đủ số lao động theo đúng yêu cầu chất lượng”. Người lao động Việt Nam được đào tạo ra vẫn không có việc làm do thiếu kỹ năng, do ngành nghề đào tạo không phù hợp nhu cầu thực tiễn...
Cần tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập |
Chất lượng nguồn nhân lực đang là một nút thắt phát triển của Việt Nam. Mặc dù chủ trương, chính sách không thiếu. Giai đoạn 2011-2015 cũng ghi nhận nhiều nghị quyết, nghị định và chương trình đã được triển khai, tạo cơ sở cho một giai đoạn phát triển nguồn nhân lực mới.
WB ghi nhận, 5 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về nguồn lực con người. Một kết quả đáng khích lệ khác là việc học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các kỳ trắc nghiệm học sinh quốc tế (PISA). Cụ thể, kết quả kiểm tra PISA năm 2012 cho thấy, học sinh trong độ tuổi 15 của Việt Nam đạt thành tích trong môn toán và kỹ năng đọc cao hơn nhiều nước OECD.
Nhưng, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu: “Quan trọng là phải làm sao để hệ thống giáo dục giúp phát huy được những tài năng đó ở các bậc đào tạo dạy nghề và đại học. Phải đảm bảo được rằng, khi tài năng phát lộ ở lứa tuổi 15 thì sẽ không bị mai một vào thời điểm học xong đại học”.
Nhiều đánh giá cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa mới đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng hiện nay. “Công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được các công việc được trả lương cao hơn, năng suất cao hơn vẫn chưa đạt yêu cầu” – Báo cáo Nâng cao kỹ năng của WB đánh giá.
Nguyên nhân có nhiều, song lớn nhất phải kể tới sự không ăn khớp giữa các cấp giáo dục. Trong đó, giáo dục trung học phổ thông được đánh giá là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Hiện nay, tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông đã giảm mạnh từ 80% xuống còn 60% trong khi sớm muộn gì thì trung học phổ thông sẽ trở thành đòi hỏi tối thiểu của thị trường lao động (TTLĐ) bởi nhu cầu về kỹ năng cao ngày càng tăng và xã hội ngày càng đòi hỏi trình độ lao động cao hơn. Sự thiếu ăn khớp cũng thể hiện ở việc các ngành nghề đào tạo không khớp với nhu cầu trên thị trường, đặc biệt là nhu cầu từ các DN.
Hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở đào tạo đang giảng dạy cho các học viên những ngành nghề không còn tồn tại hoặc không có triển vọng; xa rời giữa công việc, kỹ năng được đào tạo với thực tế...
Đó là chưa kể đến đội ngũ nhân sự cấp trung và cấp cao của Việt Nam cũng đang gặp những thách thức không nhỏ. Bởi hội nhập, trong đó có vấn đề lao động đang đặt ra áp lực cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực. Đơn cử, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập cuối năm nay sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN (trước mắt trong 8 ngành nghề).
Theo khảo sát của Công ty Navigos Search, khan hiếm nhân sự cấp trung và cấp cao là hiện hữu. Có tới 41% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho DN mình. Thiếu kỹ năng lãnh đạo cũng đang là một vấn đề đáng quan tâm khi chỉ có 9% những người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài.
“Thông điệp từ cuộc khảo sát này là, các DN cần tiếp tục xây dựng các chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng” và “Gắn kết nhân viên”, trong đó bao gồm các giải pháp có liên quan đến con người - vốn là nguồn lực quý giá nhất trong việc xây dựng một DN thành công và phát triển lâu dài” - bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết.
Để nguồn nhân lực phát triển thực chất, thay vì chỉ tăng trưởng theo số lượng mà không ăn khớp với nhu cầu thực tế và tránh việc những chính sách, văn bản liên quan được soạn thảo công phu nhưng chỉ nằm đó mà thiếu quyết tâm trong triển khai thì cần có những đột phát trong vấn đề giáo dục đào tạo. Các khuyến nghị đặt ra là cần đảm bảo cho mọi người cơ hội nắm được các kỹ năng cơ bản và nâng cao theo đòi hỏi của TTLĐ và trên cơ sở một nền giáo dục bình đẳng và hướng tới chất lượng, hiệu quả.
Muốn vậy, cần thực hiện đầy đủ các cải cách giáo dục mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Theo các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, đây chính là nền tảng để tạo ra những con người tự do, sáng tạo và tự chủ - những tố chất cần thiết cho hội nhập toàn cầu.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ thúc đẩy cải cách giáo dục theo hướng tăng tự chủ cho các cơ sở đào tạo (cả công lập và dân lập). Cho phép họ tự chủ về chương trình đạo tạo, tài chính, nhân sự, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học... Có như vậy nền giáo dục mới nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi phát triển của đất nước, của TTLĐ và phát triển con người” – báo cáo trình bày tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2015 diễn ra mới đây của các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đã đến lúc cần buộc các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của DN. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống thông tin TTLĐ để có thể cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời cho mọi người. Đồng thời, cần có các cơ chế để ràng buộc trách nhiệm để các cơ sở giáo dục đào tạo hợp tác hiệu quả hơn với cộng đồng DN, nhất là trong thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với đòi hỏi của TTLĐ.