Ngư trường không vắng bóng… ngư dân
Ngân hàng triển khai cho vay theo Nghị định 67 rất tốt | |
Agribank tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển | |
Ngư dân thêm cửa lựa chọn hỗ trợ tài chính |
Từ trong lộng ra xa bờ…
Sau gần 5 tháng xảy ra thảm hoạ môi trường, gây bao tai hoạ cho ngư dân miền Trung, chúng tôi mới trở lại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), một trong những nơi chịu ảnh hưởng hậu quả nặng nề… Ấn tượng đầu tiên mà mọi người dễ cảm nhận, đó là không khí rộn ràng, tất bật của nhiều ngư dân địa phương đang hối hả chuẩn bị cho những chuyến ra khơi. Không khí này, trái hẳn cái vẻ đìu hiu, vắng lặng của những ngày đầu vừa xảy ra sự cố…
Nhiều ngư dân đã chuyển đánh bắt trong lộng ra xa bờ |
Trên tàu cá QB 98129, chủ tàu Nguyễn Văn Tuấn còn trẻ măng. Nếu không có những giới thiệu từ cán bộ tín dụng của Agribank Quảng Bình, ít ai ngờ chàng thanh niên thế hệ 8X này đã làm chủ, trực tiếp điều khiển con tàu có công suất lên đến 822 CV, bao lần có mặt ở ngư trường Hoàng Sa, rồi vịnh Bắc bộ…
Trên mạn tàu tròng trành theo sóng nước, Tuấn vừa hối thúc bạn thuyền chuyển đá lạnh, rau xanh, nước ngọt xuống hầm tàu, vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Ngư dân trẻ này cho biết, sau một thời gian tàu nằm bờ do sự cố, hải sản khó tiêu thụ, mới đây tàu QB 98129 đã ra khơi trúng đậm mẻ cá nục, cá tre về bờ bán được hơn 450 triệu đồng, trừ hết phí tổn anh em còn lời khoảng 200 triệu đồng. Tính ra, mỗi bạn thuyền sau 2 tuần lênh đênh trên biển cũng được mỗi người gần 7 triệu đồng.
Được biết, con tàu QB 98129 là một trong những “tàu sáu bảy” đầu tiên ở Quảng Bình. Tổng giá trị con tàu vào khoảng 15 tỷ đồng, trong đó Agribank Quảng Bình cho vay 10 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi…
Phía ngoài cầu cảng, không khí tấp nập huyên náo hơn khi con tàu QB 98886 của ngư dân Nguyễn Văn Sơn cũng vừa cập cảng. Gần chục bạn thuyền thoăn thoắt vận chuyển cá lên bờ. Con tàu vỏ gỗ, hành nghề lưới vây có công suất hơn 800 CV này của ông Sơn vừa mới hạ thuỷ. Chuyến đi mở hàng đầu tiên đạt tổng doanh thu gần 500 triệu đồng.
Ông Sơn vui vẻ cho biết, chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ sự cố cá chết hàng loạt. Thế nhưng, chúng tôi vốn sinh ra ở biển, sống bằng nghề biển, vì vậy nói chuyện chuyển đổi nghề nghiệp là khó lắm, phải bám biển mà sống. Không đánh trong lộng nữa thì phải vươn ra xa bờ…
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Sơn là hai trong số rất nhiều những ngư dân ở Quảng Bình đã được ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp sức vượt qua những sự cố môi trường vừa qua. Theo đó, có người được vay vốn đóng mới tàu cá có công suất lớn theo NĐ 67. Người lại được vay vốn lưu động, với lãi suất ưu đãi mua sắm lương thực, đá lạnh cho những chuyến vươn khơi dài ngày, vượt qua những ngày sóng gió…
Mỗi con tàu, một ngành nghề khai thác khác nhau, nhưng điểm chung của cả tàu QB 98129 lẫn QB 98886 có rất nhiều bạn thuyền là ngư dân vùng lộng, chuyên đánh bắt gần bờ, sau sự cố môi trường đã chuyển đổi từ gần bờ sang đánh bắt ở vùng xa bờ, bằng hình thức xin đi bạn thuyền. Trong lộng khai thác chưa được, vì miếng cơm manh áo, rồi con cái học hành, tất thảy đều trông chờ vào biển, nên trước mắt nhiều ngư dân xin đi để sớm ổn định cuộc sống.
…Trở lại những ngày đầu mới xảy ra sự cố môi trường, nhiều nơi ở Quảng Bình tàu thuyền chịu cảnh nằm bờ. Ngư dân hoang mang vì nỗi lo nợ nần đè nặng lên vai. Cũng ngay từ những ngày đầu, chia sẻ khó khăn, mất mát với bà con ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực vào cuộc khi tăng cường hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho bà con…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Quảng Bình, đối với bà con ngư dân bị thiệt hại trực tiếp, chi nhánh còn ưu tiên vốn hỗ trợ khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh mới với lãi suất ưu đãi nhằm giúp bà con khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất.
Theo số liệu của NHNN chi nhánh Quảng Bình, thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngư dân, DN khắc phục hậu quả đến cuối tháng 7/2016 trên địa bàn có 4.142 khách hàng với dư nợ 1.144,6 tỷ đồng bị ảnh hưởng. Trong đó dư nợ bị thiệt hại 767,2 tỷ đồng, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 668 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 34,2 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 229 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm 1,5 tỷ đồng; cho vay mới 293 khách hàng, doanh số cho vay 161,3 tỷ đồng...
...bằng phương án “tàu sáu bảy”
Đặc biệt, góp phần hỗ trợ bà con ngư dân đối phó với những khó khăn chung do sự cố môi trường biển và thực trạng cạn kiệt thủy sản gần bờ, ngành Ngân hàng Quảng Bình đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện NĐ 67, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, tiếp tục duy trì việc ra khơi đánh bắt xa bờ. Đây được xem là sự lựa chọn phù hợp nhằm phát huy những tiềm năng kinh tế biển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay...
Đang đóng mới con tàu hành nghề lưới vây, có công suất 822 CV theo NĐ 67 từ vốn vay của Agribank Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Phượng, một ngư dân ở phường Quảng Phú, thị xã Ba Đồn cho biết, bây giờ cá ở gần bờ đã cạn kiệt, hoặc có đánh bắt được tiêu thụ cũng khó. Do vậy, nếu không muốn chuyển nghề khác thì phải vươn ra khơi xa.
Mặt khác, khai thác hải sản trên những con tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại có thể hoạt động dài ngày trên biển, tiết kiệm được chi phí; hải sản được bảo quản bằng công nghệ cấp đông, chất lượng cũng sẽ bảo đảm hơn.
Tương tự, ngư dân Hồ Đăng Huyền, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cũng đang vay gần 10 tỷ đồng từ Agribank Quảng Bình để đóng mới tàu vỏ thép 1000 CV theo NĐ 67. Tâm sự, với chúng tôi anh Huyền cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo NĐ 67, và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của ngân hàng mà gia đình tôi thực hiện được ước mơ, khát vọng đóng tàu lớn, để vươn khơi xa.
Không riêng anh Phượng hay anh Huyền, sau sự cố về môi trường ngày càng có nhiều ngư dân ở Quảng Bình đang mạnh dạn đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, thay thế dần các tàu có công suất nhỏ. Hỗ trợ cho bà con, sớm được sở hữu “tàu sáu bảy”, đến nay các TCTD trên địa bàn đã tiếp cận 93/93 chủ tàu nằm trong danh sách vay vốn được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, các chi nhánh NHTM đã ký kết 74 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền hơn 880 tỷ đồng, đã giải ngân số tiền 434,6 tỷ đồng…
Theo đại diện Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn, thực tế cho thấy, hầu hết tàu cá của ngư dân địa phương chủ yếu có công suất dưới 90CV. Nếu như muốn chuyển đổi đánh bắt xa bờ thì ngư dân phải đầu tư tàu to hơn, tức là phải sửa sang lại tàu thuyền hoặc đầu tư mới 100%, nếu vậy số tiền đầu tư sẽ lên đến cả gần chục tỷ đồng. Nếu người dân không có sự hỗ trợ về nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng thì con đường vươn ra biển lớn sẽ lắm chông gai…
Bên cạnh việc đóng mới tàu thuyền, nhiều ngư dân còn chú trọng đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị dò tìm và xác định luồng cá để thuận lợi trong việc đánh bắt, phục vụ cho việc khai thác thủy hải sản trên biển, ổn định đầu ra, hỗ trợ các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh tiêu thụ được sản phẩm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ 20% giá thu mua hải sản đánh bắt xa bờ cho các DN, đại lý, hộ thu mua hải sản…
Có thể nói, sự cố hải sản chết bất thường vừa qua gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn Quảng Bình nói chung và đặc biệt là những ngư dân sống dựa vào nghề biển nói riêng. Tuy vậy, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp khắc phục hậu quả, đến nay đời sống nhân dân trên địa bàn đã dần ổn định…
Những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi... Ngư dân Quảng Bình cùng với cả miền Trung sẽ tiếp tục vươn ra khơi xa để tìm đến những ngư trường rộng lớn. Thật vững tin với những hành trình vươn khơi đó, bởi ngoài kinh nghiệm hun đúc tự bao đời của bà con, còn có những hỗ trợ, tiếp sức đắc lực của ngành Ngân hàng…