Agribank tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển
Vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào vựa lúa | |
Agribank Bình Định tiếp tục cho vay đóng mới tàu 67 | |
Cùng tam nông vững thế chân kiềng |
Tỉnh Quảng Trị có diện tích bờ biển dài hơn 75km với 4 huyện, 16 xã/thị trấn ven biển, 1 huyện đảo, gần 40.000 lao động - trong đó trên 8.100 lao động trực tiếp sản xuất trên các ngư trường đảo Cồn Cỏ, Vịnh Bắc Bộ, biển Đông và Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển KTXH miền biển và vùng cát; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam" đến năm 2020; đồng thời triển khai kịp thời và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con ngư dân.
Quá trình đầu tư phát triển kinh tế biển của tỉnh có sự đóng góp tích cực và hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Quảng Trị.
Lễ bàn giao 3 tàu vỏ thép từ nguồn vốn Agribank Quảng Trị tại vùng biển Gio Linh (Quảng Trị) |
Đầu tư khép kín để vực dậy nghề cá
So với một số địa phương khác, nghề cá Quảng Trị còn nhiều khó khăn và hạn chế do thiếu các nguồn vốn đầu tư, công nghệ chế biến, bảo quản sau đánh bắt còn lạc hậu, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Những năm trước đây, phương tiện của ngư dân Quảng Trị chủ yếu chỉ là các tàu nhỏ có công suất dưới 20CV, khai thác ven bờ nên sản lượng thấp, các dịch vụ hậu cần hầu như không có.
Từ sau khi Agribank đẩy mạnh cho vay lĩnh vực kinh tế biển, hoạt động của khu vực này đã có những thay đổi rõ nét. Ngư dân đã tập trung đầu tư phát triển nghề cá theo hướng khép kín từ khâu cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt (lưới rê bùng nhùng, lưới vây, giàn pha xúc, rập…) cho đến khâu thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản.
Ông Hoàng Minh Thông – Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết, chi nhánh xác định đầu tư phát triển kinh tế biển vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ kinh doanh nên đã đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này.
Cụ thể, doanh số cho vay lĩnh vực ngư nghiệp hàng năm từ 2010 trở lại đây bình quân trên 300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung ở vùng biển Gio Linh là địa bàn có nghề cá phát triển mạnh. Nguồn vốn tín dụng trung dài hạn của Agribank Quảng Trị chủ yếu dành cho các đối tượng đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp công suất tàu. Nguồn vốn tín dụng ngắn hạn chủ yếu dành cho các đối tượng thu mua, chế biến các mặt hàng hải sản như cá, mực, sứa... Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kho lạnh, lò hấp cá để thu mua, chế biến các mặt hàng xuất khẩu, tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con ngư dân cũng như nâng cao giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, giai đoạn từ 2010-2013, ngoài việc cho các ngư dân vay vốn cải hoán, mua sắm ngư lưới cụ, Agribank còn mạnh dạn đầu tư với mức cho vay bình quân 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng cho các hộ có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn hơn để khai thác có hiệu quả trên các vùng biển xa.
Có thể nói việc đầu tư phát triển các phương tiện tàu thuyền đánh bắt và hệ thống các cơ sở chế biến xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Agribank Quảng Trị đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng biển, từng bước hiện đại hóa nghề cá, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con vùng biển, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Quá trình đầu tư của Agribank đã góp phần nâng số lượng đội tàu thuyền của tỉnh lên 2.829 tàu cá, trong đó có 201 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90CV trở lên). Sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt xấp xỉ 20.000 tấn thủy sản các loại. Nhiều hộ đã trả hết nợ vay ngân hàng, tích lũy vốn tự có để mở rộng sản xuất và hỗ trợ các hộ dân thiếu vốn khác.
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển
Ngày 7/7/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67). Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất trọng tải lớn, trang bị ngư lưới cụ đồng bộ để khai thác xa bờ, vừa đảm bảo nâng cao thu nhập cho ngư dân, giảm áp lực khai thác vùng bờ, vừa góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia.
Ngay sau khi có Nghị định 67, ngoài việc tập huấn cho cán bộ tín dụng và tuyên truyền đến người dân, Agribank Quảng Trị đã chỉ đạo các chi nhánh có địa bàn vùng biển chủ động tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay vốn, bám sát Ban chỉ đạo tại địa phương để khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn thì triển khai thực hiện; đồng thời tổ chức niêm yết công khai điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ và thông báo kết quả cho chủ tàu. Chính nhờ vậy mà sau khi UBND tỉnh có thông báo phê duyệt danh sách chủ tàu, Agribank đã đẩy nhanh công tác thẩm định, giải ngân vốn vay.
Tính đến cuối tháng 7/2016, chỉ riêng chương trình tín dụng theo Nghị định 67, Agribank Quảng Trị đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 136 tỷ đồng cho 41 hộ, với tổng số tiền giải ngân trên 100 tỷ đồng.
Cụ thể, Agribank Quảng Trị đã cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 1 hộ với số tiền cho vay 16 tỷ đồng. Cho 8 hộ vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ với tổng số tiền 86 tỷ đồng. Cho 32 hộ vay nâng cấp tàu cá với số tiền 34 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 2 hộ vay vốn lưu động với số tiền 2 tỷ đồng. Agribank Quảng Trị đang hoàn tất việc thẩm định để đầu tư thêm 2 tàu vỏ thép có công suất trên 800 CV với số tiền 36 tỷ đồng.
Trong tháng 6/2016, Agribank Quảng Trị đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 3 tàu, trong đó có 2 tàu khai thác hải sản xa bờ công suất trên 800 CV và 1 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất 1.200CV.
Bên chiếc tàu vỏ thép đồ sộ và hiện đại có chiều dài lên đến 35m, chiều rộng 7,2m, có 3 khoang chứa cá thể tích gần 300m3, tầm hoạt động 1.500 hải lý, dự trữ nhiên liệu hoạt động trên biển đến 30 ngày, ngư dân Võ Văn Hữu không giấu được niềm vui và kỳ vọng về những hành trình khai thác trên ngư trường rộng lớn biển Đông sắp tới. Đây là chiếc tàu có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh được Agribank Quảng Trị cho vay 16,25 tỷ đồng, đóng tại Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt Quảng Trị.
Về hiệu quả khai thác, đánh bắt của các tàu vay vốn theo Nghị định 67, ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết có 2 tàu vỏ gỗ của chủ tàu Hồ Minh Tiến (Vĩnh Linh) và Đinh Văn Trinh (Triệu Phong) qua 38 chuyến đánh bắt thu về trên 2 tỷ đồng; 21 tàu vay vốn nâng cấp, cải hoán đã ra khơi 80 chuyến, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn tín dụng của Agribank Quảng Trị, ngư dân đã mạnh dạn đóng tàu vỏ thép công suất lớn tự tin vươn khơi bám biển |
Chung tay giúp ngư dân vượt khó
Quảng Trị là một trong 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố môi trường biển tháng 4/2016. Trong giai đoạn ngư dân gặp khó khăn do hiện tượng hải sản chết bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và hoạt động sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank, Agribank Quảng Trị đã chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay…
Trường hợp các doanh nghiệp, ngư dân bị thiệt hại trực tiếp sẽ được miễn toàn bộ lãi vay với phần dư nợ bị thiệt hại. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp sẽ được miễn 1 tháng lãi vay đồng thời dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng. Agribank cũng dành ra khoảng 500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Hiện hầu hết các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong vùng bị thiệt hại có nhu cầu vay vốn để ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết đều được Agribank Quảng Trị cung ứng vốn đầy đủ.
Về chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, Agribank Quảng Trị đã trao số tiền hỗ trợ cho UBND tỉnh Quảng Trị là 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo từ đóng góp ngày lương của cán bộ viên chức Agribank toàn hệ thống nhằm chia sẻ khó khăn với người dân 16 xã, thị trấn vùng biển bị thiệt hại.
Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị, cán bộ nhân viên Agribank Quảng Trị đã đóng góp tiền lương ủng hộ 30 triệu đồng cho bà con ngư dân. Những hành động thiết thực này thể hiện tính cộng đồng, ý thức trách nhiệm xã hội của Agribank Quảng Trị trong việc chia sẻ, đồng hành cùng địa phương, cùng ngư dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Mặc dù đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và khu vực kinh tế biển nói riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuy nhiên ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank Quảng Trị khẳng định, không vì những rủi ro bất khả kháng ấy mà Agribank Quảng Trị e ngại trong việc đầu tư, bởi bên cạnh mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, Agribank Quảng Trị còn xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước giao cho là phục vụ nông nghiệp – nông dân và nông thôn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Agribank Quảng Trị sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển kinh tế tam nông, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.