Nhà nước kiến tạo: Phải vừa kéo vừa đẩy
Hướng đến kiến tạo: Nhà nước cần vượt qua chính mình | |
Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển | |
Quy hoạch quốc gia: Hướng đến nhà nước kiến tạo và phục vụ |
Ông Nguyễn Đình Cung |
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 30 năm đổi mới vừa qua chúng ta cần tiến hành song song 2 dòng chuyển đổi. Cùng với chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, mô hình nhà nước cũng phải chuyển đổi từ quản lý tập trung sang kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, dòng chuyển đổi thứ hai chưa diễn ra mạnh mẽ, nên mô hình Nhà nước đặt trong bối cảnh hiện nay chưa thực sự đóng vai trò kiến tạo phát triển một cách rộng khắp.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã có được những thành công nhất định trong quá trình chuyển đổi, vì vậy khó có thể nói mô hình quản lý Nhà nước đang cản trở phát triển kinh tế?
Để đánh giá sự thành công chuyển đổi đến đâu, chúng ta cần đặt trong tương quan so sánh với một quốc gia là hình mẫu mà chúng ta phấn đấu đạt tới - Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nói chúng ta thành công rực rỡ, có người nói ngoạn mục. Vậy so với Hàn Quốc, ở vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu đổi mới, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển thì Hàn Quốc đã ở giai đoạn 2.
30 năm sau, chúng ta nhảy được từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, còn họ nhảy từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, và sau đó là đến phát triển dựa trên sáng tạo. Mà tốc độ tăng trưởng và khoảng cách giữa họ với ta là rất lớn. Vậy thì tôi cho rằng, ta chưa thực sự thành công.
Còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng |
Lý do là chúng ta còn nhiều vấn đề khiến kìm hãm phát triển, hơn là thiên về kiến tạo phát triển. Chúng ta cho rằng đang quản lý theo lối Nhà nước kiến tạo, nhưng thực chất công chức nhà nước biết đến đâu thì quản đến đó, năng lực đến đâu thì xử lý đến đó, không phải quản lý vì sự phát triển, phục vụ cho sự phát triển.
Chúng ta có thể lấy hàng trăm ví dụ về việc này. Ví dụ, đó là Luật Quy hoạch có tư duy đổi mới vì bãi bỏ hàng nghìn quy hoạch ngành, sản phẩm, là các quy hoạch mà Nhà nước can thiệp vào việc sản xuất cái gì, bao nhiêu, ở đâu, và thậm chí là cho ai làm việc đó. Rõ ràng điều này trái với kinh tế thị trường, phải bỏ. Nhưng bỏ nó thì phải sửa hơn 30 luật, và vì như thế nên chưa thông qua được. Đáng lẽ, nếu đã vì sự phát triển, kể cả phải sửa 30 hay 300 luật thì cũng phải làm để phục vụ sự phát triển.
Ở đây có sự tương phản lớn giữa thực tế và mong muốn, giữa mô hình, cách thức của ta với mô hình mà chúng ta đang theo đuổi như Hàn Quốc, hay các nước công nghiệp mới.
Vậy mô hình Nhà nước kiến tạo theo quan điểm của ông phải như thế nào?
Tôi cho rằng đặc điểm nổi bật nhất của mô hình này đó là Nhà nước phải dẫn dắt, lôi kéo quá trình phát triển. Nhưng đồng thời, quan trọng hơn là nhà nước phải thúc đẩy, hỗ trợ làm sao huy động được toàn bộ nguồn lực là các tầng lớp nhân dân đi cùng một hướng, tiến tới đưa đất nước, nền kinh tế đi lên một giai đoạn phát triển cao hơn, nâng cao phúc lợi và thịnh vượng của người dân. Như vậy, Nhà nước vừa kéo vừa đẩy.
Để thực hiện được mô hình này, điều đầu tiên là Nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn, cùng với đó là có một mục tiêu rất rõ ràng và hiện thực, thể hiện được lợi ích của người dân để từ đó kéo được người dân vào cuộc. Điều thứ hai là có đội ngũ cán bộ viên chức, từ người lãnh đạo đến công chức bình thường, phải rất có năng lực và họ phải được tuyển chọn dựa trên thực tài, luôn theo đuổi và thực hiện mục tiêu. Điều thứ ba là Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình lớn, ngươi dân phải được giám sát kết quả, thành tựu, vị trí của công chức có xứng đáng với công việc và quyền hành mà anh được giao không. Song song với đó, luôn luôn có một trung tâm điều hành và phối hợp để huy động tất cả các nguồn lực các bên tham gia vào quá trình thúc đẩy phát triển.
Đối chiếu với mô hình Nhà nước hiện tại, theo ông chúng ta có điểm tương đồng và khác biệt như thế nào so với mô hình Nhà nước kiến tạo mà ông đề cập đến?
Các điểm tương tự của nước ta với Nhà nước kiến tạo là nước ta cũng nhấn mạnh và ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và phát triển; có đường lối chiến lược công nghiệp hoá, là công cụ thực hiện chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; có chính sách ưu tiên đầu tư và định hướng xuất khẩu. Trên thực tế, chúng ta đã đạt được một số kết quả cụ thể là tăng trưởng kinh tế, phân bổ lợi ích tăng trưởng và giảm nghèo, nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, mô hình của ta hiện nay cũng còn một số điểm khác biệt. Trước hết, chúng ta ưu tiên giáo dục đào tạo, nhưng trọng tâm đào tạo, giáo dục chưa phải là giáo dục kỹ thuật và tin học. Nền kinh tế có đường lối công nghiệp hoá, nhưng không có mục tiêu rõ ràng, không rõ ngành mới nổi, và bảo hộ không thành công sản xuất công nghiệp nội địa. Chính sách phát triển và chuyển giao công nghệ không rõ ràng và mạnh mẽ.
Bộ máy nhà nước lớn, nhưng không mạnh, không có cơ quan có năng lực và quyền lực đủ mạnh theo đuổi mục tiêu phát triển dài hạn; chưa chuyên nghiệp, chưa hiệu quả, đặc biệt là không theo nguyên tắc thực tài. Chưa liên minh chặt chẽ giữa Nhà nước, giới lao động và sử dụng lao động.
Thể chế chưa thân thiện với kinh doanh; FDI và DNNN, mà không phải là tư nhân trong nước đóng vai trò chủ yếu trong công nghiệp hoá, chuyển đổi và nâng cấp trình độ phát triển của công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Để hướng tới mô hình Nhà nước kiến tạo, theo ông chúng ta cần thay đổi như thế nào?
Trước hết, phải nhận thức và thực hiện đầy đủ các chức năng phổ biến của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường. Trong khi tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thì vẫn ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, liên tục và bền vững (7-8%).
Điều này là hoàn toàn khả thi. Bởi chúng ta còn rất nhiều tài sản sử dụng kém hiệu quả. Thống kê gần đây cho thấy tổng tài sản của khối DNNN và tư nhân tính theo sổ sách được khoảng 700 tỷ USD, giả sử tăng hiệu quả sử dụng của khối tài sản này lên thêm 1 điểm phần trăm thôi, chúng ta đã có 7 tỷ USD, và như vậy là có thêm hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng. Nếu nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng của khối tài sản này thì tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được 8-9%/năm, chứ không chỉ là hơn 6% như hiện nay.
Vậy, điểm nghẽn nằm ở chỗ nào?
Tôi cho rằng có rất nhiều điểm nghẽn có thể tháo gỡ. Chỉ đơn cử chi phí dịch vụ logistic của ta chiếm đến 21% GDP, trong khi các nước cao nhất cũng chỉ 10%. Giả sử giảm được chi phí này cũng là dư địa rất lớn thúc đẩy tăng trưởng. Nếu thực sự tư duy của một Nhà nước kiến tạo, thì chúng ta còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy quốc gia phát triển.
Xin cảm ơn ông!