Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển
Vượt áp lực, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô | |
Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững | |
Không gì bằng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền |
Ông Đinh Tuấn Minh |
Một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp phát triển và xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Và ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) là nhiệm vụ đương nhiên, không phải là nhiệm vụ ưu tiên - là một trong bốn nhóm vấn đề đặt ra trong cuốn sách “Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển” vừa được xuất bản.
Ông Đinh Tuấn Minh (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ), đồng chủ biên cuốn sách cho biết khi trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.
Trong cuốn sách có viết: Việt Nam đã đến lúc cần thể chế hóa ổn định vĩ mô thay vì coi ổn định vĩ mô chỉ là một ưu tiên lựa chọn hàng năm. Ông giải thích rõ hơn về ý này?
Từ năm 2011 đến nay, mục tiêu ổn định KTVM luôn nằm trong ưu tiên của Chính phủ. Nhưng điều mà nhóm nghiên cứu muốn nói đến ở đây là, Chính phủ cần phải coi đó là một nhiệm vụ đương nhiên, chứ không phải là mỗi năm lại coi đó là việc cần “ưu tiên” như vậy. Khi coi là nhiệm vụ ưu tiên của năm thì cũng có thể năm nay vẫn đặt mục tiêu ổn định KTVM nhưng năm sau có thể không.
Nhưng nếu là nhiệm vụ đương nhiên thì dù lúc nào, chính sách nào cũng phải hướng đến ổn định KTVM. Như vậy, chúng ta cần thể chế hóa, coi đây là nhiệm vụ đương nhiên phải làm, phải tạo môi trường ổn định để người dân, DN yên tâm kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.
Bài học của các nước Đông Á, nhất là trong nhiều cuộc khủng hoảng đã qua cũng cho thấy, ổn định KTVM phải là cấu phần quan trọng trong xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển. Và chức năng của nhà nước phải đảm bảo điều đó. Còn những vấn đề khác thì tự thị trường sẽ tự giải quyết.
Tuy vĩ mô đã ổn định nhưng chính các nhà điều hành chính sách cũng luôn cảm thấy sự ổn định chưa vững chắc, và theo nghiên cứu của các ông đâu là nguyên nhân chính khiến Việt Nam luôn đối diện rủi ro bất ổn?
Những năm gần đây vĩ mô đã dần ổn định nhưng vẫn luôn đối diện với rủi ro bởi thâm hụt ngân sách dai dẳng và nợ công tăng cao trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước bấp bênh, thậm chí có nguy cơ sụt giảm trong quá trình hội nhập; hiệu quả sử dụng các nguồn lực không cao khiến lạm phát trong nước luôn bất ổn và phụ thuộc nhiều vào giá cả trên thị trường thế giới; hệ thống tài chính chưa thực sự an toàn, tiềm ẩn tỷ lệ nợ xấu cao và dễ tổn thương với các cú sốc bên ngoài…
Chúng tôi thấy rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã áp dụng khá nhiều loại thể chế ổn định vĩ mô như các nguyên tắc vay nợ của Chính phủ, hay các ngưỡng an toàn nợ công, nợ nước ngoài, các quy định về vay ứng ngoại hối, các quy chế chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, so với các chuẩn mực và thông lệ trên thế giới thì hệ thống các thể chế ổn định KTVM Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót.
Đặc biệt, việc thực thi các kỷ luật ngân sách và tài khóa quá lỏng lẻo do thiếu các chế tài thực thi; các ngưỡng an toàn tài khóa chậm được cập nhật trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi; chính sách tiền tệ (CSTT) đôi khi còn phải phục vụ quá nhiều mục tiêu, chưa thực sự minh bạch và thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ chính sách tài khóa; các công cụ giám sát và điều tiết tài chính còn yếu và thiếu dẫn đến nguy cơ đổ vỡ của nhiều tổ chức tài chính.
Chúng tôi cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến cho Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức gây bất ổn định KTVM. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng và hoàn chỉnh cho riêng mình một hệ thống thể chế quản lý và giám sát ổn định KTVM một cách đầy đủ, toàn diện, có khả năng phòng ngừa và chống chọi với các cú sốc bên trong cũng như bên ngoài một cách hiệu quả.
Việt Nam đã và đang có sự dịch chuyển trong xây dựng các chính sách kinh tế |
Khung khổ của việc thể chế hóa KTVM này là gì, thưa ông?
Về cơ bản, chúng tôi cho rằng có bốn nhóm thể chế ổn định KTVM mà Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện, bao gồm: thể chế tài khóa; thể chế tiền tệ; thể chế giám sát tài chính và thể chế phối hợp giữa các chính sách. Mỗi nhóm thể chế này có thể có những mục tiêu và công cụ riêng, nhưng nhìn chung chúng phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đồng thời có khả năng ứng phó với những cú sốc trong ngắn hạn từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế.
Chính phủ đã xác định phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng ý tưởng về mô hình nhà nước này và vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu bổ sung, phát triển. Vậy cuốn sách đề cập đến vấn đề này như thế nào?
Xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ đã được Việt Nam chính thức coi là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển. Và một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp phát triển và xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Chính phủ đã xác định chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển. Đây là một sự thay đổi tư duy lớn.
Nghiên cứu của chúng tôi nhằm cung cấp những luận cứ khoa học, cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn, để xây dựng những thể chế chính thức theo hướng thúc đẩy sự phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam. Những thể chế chính thức này, một khi được hình thành, sẽ đóng vai trò xương sống để tạo dựng ra một nhà nước kiến tạo phát triển như nhiều lãnh đạo của Việt Nam từng mong muốn.
Trong đó, vai trò của nhà nước là phải tạo dựng được các thể chế bổ trợ cho các khiếm khuyết của các thể chế thị trường. Những thể chế này có thể coi là điều kiện tiên quyết, góp phần hình thành nhà nước kiến tạo phát triển. Mục đích là giúp nhà nước Việt Nam thay đổi chức năng của mình trong quan hệ với thị trường, từ vị thế điều hành trực tiếp, bằng mệnh lệnh hành chính đối với các hoạt động kinh tế sang vị thế kiến tạo một môi trường phù hợp để nuôi dưỡng thị trường phát huy được hết sức mạnh của mình.
Vậy chúng ta phải làm gì để xây dựng thành công nhà nước kiến tạo phát triển?
Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã và đang có sự dịch chuyển trong xây dựng các chính sách kinh tế. Nên đến nay đã có ít nhiều các yếu tố của nhà nước kiến tạo phát triển. Ở nghiên cứu này, điều mà nhóm chúng tôi muốn hướng đến là “khoanh” lại một số trụ cột chính mà mình thật sự đang yếu và cần phải tập trung xây dựng, tạo tiền đề để triển khai các nội dung khác. Bên cạnh đó, nhóm cũng phân tích và đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm tạo ra sự nhất quán, tương tác giữa các trụ cột.
Đó là những trụ cột nào, thưa ông?
Các trụ cột nói trên bao gồm: Khu vực kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường là động lực chính của phát triển; Chế độ pháp quyền đóng vai trò nền tảng để duy trì trật tự xã hội, giảm bất định, qua đó tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển; Thể chế hóa khung khổ chính sách vĩ mô để hướng tới thiết lập môi trường KTVM lành mạnh và ổn định; Hệ thống quyền tài sản đầy đủ, rõ ràng và được bảo vệ chắc chắn; nhà nước không chỉ tương tác gần gũi với khu vực DN mà cần hòa mình vào xã hội dân sự; nhà nước tham gia tích cực vào việc thúc đẩy quá trình cạnh tranh và sự phát triển của nghiệp chủ (chủ DN) thông qua các biện pháp thưởng cho “người thắng cuộc” dưới các hình thức nâng cao năng lực sáng tạo đổi mới và vốn con người;…
Xin cảm ơn ông!
Cuốn sách “Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển” là sản phẩm của nhóm các chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ bốn cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế có uy tín tại Hà Nội - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội - và từ một số cơ quan nghiên cứu khác. |