Hướng đến kiến tạo: Nhà nước cần vượt qua chính mình
Chính phủ kiến tạo và hành động: Nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ 2016-2020 | |
Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển | |
Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển |
Việt Nam đã vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng để phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai, phát triển một Nhà nước kiến tạo - như đã được đưa ra trong Báo cáo 2035 - là vô cùng quan trọng. Với ý nghĩa là Nhà nước phục vụ DN và người dân, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và sức chống chịu, nhưng để xây dựng được một Nhà nước kiến tạo thì cần rất nhiều quyết tâm và nỗ lực để giải quyết các thách thức đặt ra.
Chung tay phát triển Nhà nước kiến tạo |
Nhận diện những lực cản
Xây dựng Nhà nước kiến tạo phải giải quyết tốt được 3 mối quan hệ: quan hệ giữa các chủ thể trong Chính phủ (sự phối kết hợp theo chiều ngang giữa các cơ quan khác nhau của Chính phủ và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền); giữa Chính phủ với DN; và giữa Chính phủ với người dân. Đó là nhận định được bà Deborah Wetzel, Giám đốc cao cấp Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước của WB đưa ra tại Hội nghị Quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo” do Bộ KH&ĐT phối hợp với WB tổ chức ngày 13/6/2017 tại Hà Nội.
Nhưng để xây dựng Nhà nước kiến tạo không đơn giản. Theo ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Trong quá trình thực hiện Nhà nước kiến tạo, một lực cản và cũng là lý do làm cho chúng ta lo ngại nhất chính là bản thân Nhà nước. Nếu giữ nguyên như tình trạng Nhà nước hiện nay thì bên cạnh mặt tích cực, còn một số mặt khiếm khuyết. Và những khiếm khuyết đó làm yếu năng lực của Nhà nước đi và khiến cho không thể thực hiện được Nhà nước kiến tạo.
Một trong những khiếm khuyết lớn mà ông Liên chỉ ra là tình trạng bộ máy Nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, quy định không rõ ràng về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ. Điều này khiến quá trình hoạch định chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách gặp phải rất nhiều khó khăn. Ông nói, Luật ban hành, đến Nghị định hướng dẫn “vừa bớt một tý vừa thêm một chút”, đến thông tư cũng vậy… Điều đó khiến một chính sách lớn và đúng đắn của Nhà nước nhưng khi thực hiện rất có thể bị biến dạng, thiếu nhất quán.
Bên cạnh đó là tính rõ ràng trong công - tư. Một trong những chức năng của Nhà nước là thực hiện quyền lực công. Đã thực hiện quyền lực công thì phải vì lợi ích công, còn nếu thực hiện quyền lực công mà vì lợi ích tư là không đúng. Hay trong vai trò xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Nếu trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật có nhiều bước tiến tích cực thì thực thi pháp luật vẫn còn nhiều quan ngại. Pháp luật có thể đã tốt rồi, chính sách đã tốt rồi nhưng nếu bộ máy vẫn cồng kềnh, vẫn còn hiện tượng tham nhũng, hay vận hành theo lối quan hệ thân quen sẽ không thể chuyển sức mạnh của chính sách thành hiệu quả trong thực tế.
Ông Liên và nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng bộ máy Nhà nước chưa dựa trên năng lực thực tài. Quy định chặt chẽ, quy trình chặt chẽ, mục tiêu cũng là tìm những người có năng lực nhưng do bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ (gia đình, thân quen, chạy chọt…) nên đã làm méo mó đi. Vì vậy mà đội ngũ công chức hiện nay tính chuyên nghiệp rất thấp. Đây cũng là một lực cản…
Tách bạch, công khai và kiểm soát quyền lực
Cũng đề cập tới những cản trở trên con đường hướng tới Nhà nước kiến tạo, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại muốn xoáy sâu vào vấn đề “quan hệ thân hữu”, một lực cản mà theo ông là vấn nạn lớn hiện nay.
“Hướng tới kiến tạo, hướng tới phục vụ DN nhưng không phải theo cách thân hữu với DN mà phải tách Nhà nước, tách quy trình ban hành các chính sách của Nhà nước để tránh nguy cơ nhóm lợi ích. Việc tách bạch được sẽ không chỉ để cho các chính sách đó không bị méo mó mà quan trọng hơn là để cho Nhà nước có tính hợp pháp và tính chính danh trước toàn thể nhân dân”, ông Dũng thẳng thắn.
Còn theo bà Deborah Wetzel, có ba chức năng chính mà bất cứ Chính phủ nào trong quá trình thương lượng với tất cả các bên trong xã hội cần phải thực hiện được để hướng đến Nhà nước kiến tạo. Một là, cần thể hiện được cam kết của mình. Những chính sách mà Chính phủ đưa ra cần đáng tin cậy và có tính ổn định.
Hai là, cần điều phối để các nhóm khác nhau trong Chính phủ, hợp tác, tương tác với nhau, và hiểu được họ cần phải làm gì. Đồng thời tạo ra được tín hiệu rõ ràng để cộng đồng xã hội nắm được những định hướng mà Chính phủ muốn hướng tới, tạo môi trường cho họ hoạt động.
Ba là, thúc đẩy khả năng hợp tác, tức là khả năng sẵn sàng và đồng thuận của các chủ thể trong xã hội để tuân thủ những chính sách mà Chính phủ đưa ra.
“Những chức năng này nếu không làm được sẽ dẫn đến vấn đề như thâu tóm Nhà nước, chủ nghĩa thân hữu… Để giải quyết, phải làm sao các chủ thể liên quan cùng ngồi lại, thảo luận và xây dựng ra những chính sách. Ngoài ra, thúc đẩy truyền thông mở, công khai và minh bạch giúp cung cấp thông tin tới mọi người cũng rất cần thiết”, bà Deborah Wetzel đề xuất.
Ông Hoàng Thế Liên thì nhấn mạnh, “trách nhiệm tập thể là nơi ẩn nấp rất hiệu quả của trách nhiệm cá nhân”. Ông đề nghị phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và người càng cao thì trách nhiệm phải càng lớn. Hiến pháp cũng đã ghi nhận việc đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân nên cũng cần xây dựng cơ chế pháp lý về quyền dân chủ trực tiếp và khơi nguồn cho sức mạnh từ nhân dân.
Còn theo ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đối với trường hợp của Việt Nam, chúng ta cần cả hệ thống chính trị vào cuộc theo một hướng phù hợp. “Nói Nhà nước kiến tạo là chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Nhà nước không thể tự thân giải quyết hết được mà phải có những cấp cao hơn…”, ông Vinh nói.