Nhà Trắng coi Fed là thách thức số 1, thực tế không phải vậy
Chủ tịch Fed sẽ nói gì tại Jackson Hole? | |
Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 5 lần nữa trước tháng Tư, các nhà phân tích dự đoán | |
Trump cho rằng Fed nên cắt giảm lãi suất ít nhất 1% nữa |
Khu vực sản xuất giảm, DN đổ lỗi cho thuế quan
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có chuỗi hồi phục tăng trưởng kéo dài, Fed đã tăng lãi suất tới 9 lần giai đoạn 2015-2018. Dù trải qua nhiều lần tăng như vậy nhưng lãi suất vẫn trong phạm vi thấp lịch sử. Đến tháng 7/2019, Fed có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa trong cuộc họp chính sách vào nửa cuối tháng này. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy lãi suất do Fed điều hành đang là yếu tố trung tâm trong làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Vay vốn hiện nay rất rẻ và người ta không nghe thấy phàn nàn nào từ các công ty trong việc tiếp cận tín dụng. Thay vào đó, các DN đang phàn nhiều về thuế quan.
Chiến tranh thương mại (CTTM) ngày càng sâu rộng giữa Mỹ với Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm kinh tế đang gợn sóng trên toàn cầu. Hiện đã có những bằng chứng cho thấy sự suy giảm đã đến với kinh tế Mỹ mà phần lớn là do CTTM. Và rủi ro lớn hơn là nó sẽ khiến nền kinh tế này suy thoái, bất kể Fed hành động như thế nào. "CTTM là một con dao găm trong cơ thể của nền kinh tế Mỹ", Mark Zandi, Kinh tế gia trưởng tại Moody Analytics, nói với CNN Business. "Kinh tế Mỹ sẽ không trở lại trạng thái khỏe mạnh cho đến khi bạn rút được con dao đó ra, bất kể có bơm bao nhiêu “kháng sinh” vào đi nữa".
Giới phân tích nhận định chiến tranh thương mại là yếu tố lớn nhất có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái |
Dường như con dao găm đó đang khoét vào cơ thể sâu hơn. Vào Chủ nhật vừa qua, chính quyền Trump đã áp thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (lô đầu tiên trong kế hoạch áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump công bố hôm 1/8. Số hàng hóa còn lại trong kế hoạch này dự kiến sẽ bị đánh thuế tương tự từ ngày 15/12). CTTM leo thang đang gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế thực.
Hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ đã co lại lần đầu tiên sau 3 năm. Theo báo cáo công bố ngày 3/9 của Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp của Mỹ (ISM Manufacturing PMI) đã giảm xuống mức 49,1 điểm trong tháng 8 vừa qua, thấp hơn đáng kể so với dự báo. Trước đó, các chuyên gia được khảo sát bởi Reuters dự báo trong tháng 8, chỉ số ISM sẽ ở mức 51,1 điểm, chỉ giảm nhẹ so với mức 51,2 của tháng 7. "Trong khi hoạt động kinh doanh mạnh mẽ thì vẫn có sự sợ hãi và báo động về CTTM và nguy cơ suy thoái kinh tế", Giám đốc điều hành một công ty sản xuất các sản phẩm hóa chất được ISM khảo sát, cho biết. Một giám đốc điều hành khác đến từ một nhà sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử cũng nhận định: "Thuế quan tiếp tục là một áp lực đối với chuỗi cung ứng và nền kinh tế nói chung".
Tháng 8 cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số lượng đơn hàng mới. Chỉ số đơn đặt hàng mới đã giảm từ 50,8 điểm trong tháng 7 xuống chỉ còn 47,2 điểm, thấp nhất kể từ tháng 12/2015 và đang về mức yếu nhất kể từ tháng 4/2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra. “Hoạt động sản xuất yếu không liên quan gì đến chính sách của Fed. Điều này chủ yếu là do thuế quan và sự không chắc chắn trong thương mại", Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group nhận định.
Chiến tranh thương mại toàn diện, chính sách của Fed sẽ vô tác dụng
Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên mức 21,2% vào ngày 1/9, so với mức chỉ 3,1% trước khi CTTM bắt đầu. Những mức thuế cao lên là nhằm mục tiêu khiến Trung Quốc phải “chơi công bằng” trong thương mại và chính quyền Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ không thay đổi hành vi của mình nếu con bài thuế quan không được sử dụng. Giới phân tích cho rằng dù bất kể động lực là gì, một cuộc CTTM ăn miếng trả miếng đang phủ bóng đen lên nền kinh tế. "CTTM rõ ràng là không tốt cho tăng trưởng", Mike Pyle, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại BlackRock nhận định.
Nhưng nó không chỉ là những tác động trực tiếp từ thuế quan mà đầu tư của DN cũng chịu áp lực khi niềm tin suy giảm và sự bất định tăng lên. Chỉ số không chắc chắn về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm vào tháng 8 vừa qua. "Với những tín hiệu suy thoái đã xuất hiện, sự bất định này có thể nguy hiểm vì nó cản trở tiêu dùng và đầu tư", Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley Wealth Management, viết trong một báo cáo gửi khách hàng vào ngày 3/9.
Cuối tháng trước, khi thị trường tài chính sụt giảm, Tổng thống Donald Trump tiếp tục phàn nàn rằng Mỹ đang có một NHTW (Fed) “rất yếu”. Tổng thống Trump thậm chí còn đặt câu hỏi liệu ông Powell có phải là "kẻ thù lớn hơn" đối với Hoa Kỳ so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. Nhưng trong động thái mới nhất, ông Trump sau đó cho rằng có thể chính các công ty có lỗi. "Các công ty hoạt động yếu kém đang tìm cách đổ lỗi cho các thay đổi biểu thuế nhỏ này thay vì thừa nhận chính họ đang quản lý tồi", ông đã tweet như vậy vào tuần trước.
Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, đã nói với CNN vào tuần trước rằng, sẽ là một sai lầm khi nói CTTM đang khuếch đại sự suy giảm toàn cầu. Thay vào đó, Navarro cho biết “cơn gió ngược” mà Mỹ phải đối mặt chính là việc Fed đã tăng lãi suất “quá xa, quá nhanh” trong thời gian trước đây và điều này đang gây tổn hại trực tiếp thông qua đầu tư và gián tiếp thông qua hiệu ứng tiền tệ. Riêng năm 2018, Fed đã tăng lãi suất 4 lần, tần suất tăng nhiều nhất trong một năm kể từ năm 2006.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Zandi của Moody's, việc nói Fed phải chịu trách nhiệm cho sự suy giảm của Mỹ là “khờ dại”. "Chính quyền Mỹ đang muốn được cứu trợ. Đó là lý do tại sao họ đang chống lại Fed", Zandi nói và cho rằng, “Fed đã làm chính xác những gì họ cần làm”. Chuyên gia Zandi nhận định, nếu hai bên Mỹ - Trung không đạt được một thỏa thuận và chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục triển khai đúng những gì đã đe dọa trong nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc thì có tới trên 50% nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm 2020.
Việc Fed, thông qua giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế có thể mang lại tác dụng khi sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi và nhờ đó có khả năng giúp niềm tin gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là một “đồng tiền dễ dãi” sẽ không thể giúp giải quyết được những vấn đề mà nền kinh tế đang thực sự gặp phải. Trong trường hợp CTTM tiếp tục leo thang lên mức toàn diện thì chính sách tiền tệ sẽ không thể chữa lành những tổn hại mà CTTM gây ra. Chuyên gia Boockvar nhận định, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ "hoàn toàn không giúp gì cho tăng trưởng" vì chi phí vốn không phải là một trở ngại hiện nay. Thay vào đó, loại bỏ thuế quan mới là kích thích lớn nhất cho nền kinh tế vào lúc này.