Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 5 lần nữa trước tháng Tư, các nhà phân tích dự đoán
Fed đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7, nhưng các bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng việc cắt giảm chỉ là sự điều chỉnh giữa kỳ đã khiến cổ phiếu lao dốc, khi các nhà đầu tư kỳ vọng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gia tăng trong tương lai gần.
Powell từng nêu ba lý do cho việc cắt giảm lãi suất vừa qua: sự gia tăng tính không chắc chắn của hoạt động thương mại, tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, kể từ cuộc họp tháng 7 của Fed, thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và tâm lý thị trường thêm bất an.
Ảnh minh họa |
Bất chấp lời bình luận nêu trên của Powell, các nhà phân tích từ Danske Bank, do Mikael Olai Milhoj dẫn đầu, hiện vẫn tin rằng Fed sẽ nhanh chóng điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản tại tại 5 cuộc họp tiếp theo, đưa lãi suất chính sách cho đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 xuống mức 0,75-1,00%.
“Các chỉ số kinh tế bên ngoài nước Mỹ rất yếu, với dữ liệu tại Trung Quốc yếu hơn dự kiến về đầu tư tài sản cố định, sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ; GDP của Đức thu hẹp trong quý II”, một báo cáo được công bố vào thứ Ba cho biết.
Trong khi lạm phát CPI của Mỹ những tháng gần đây đã gây bất ngờ khi tăng chậm lại, kỳ vọng lạm phát của thị trường ở mức thấp, chỉ là tăng 1,6% trong năm nay trong khi tại thời điểm Fed quay đầu giảm lãi suất trước đó lại ở mức 1,7%, và rất khó để thấy bất kỳ lý do nào khiến lạm phát tăng tốc trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích dự đoán rằng bất chấp lời kêu gọi giảm mạnh thêm lãi suất, Fed sẽ không cam kết trước việc nới lỏng chính sách hơn nữa, thay vào đó vẫn giữ cách tiếp cận điều chỉnh chính sách linh hoạt hiện tại. Báo cáo kể trên cũng cho thấy việc cắt giảm đột ngột thêm 50 điểm cơ bản dường như là quá mức, vì trong lịch sử, việc cắt giảm lãi suất và cắt giảm lớn hơn giữa các cuộc họp thường kỳ của Fed chỉ xảy ra trong thời kỳ suy thoái hiện hữu và thất nghiệp gia tăng.
“Fed đang nhận ra rằng triển vọng vĩ mô đã trở nên không chắc chắn hơn, nhưng vẫn thấy chu kỳ nới lỏng chỉ là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ và chưa đến lúc cần cắt giảm lãi suất như trong thời kỳ suy thoái”, các nhà phân tích cho biết,
“Theo quan điểm của chúng tôi, tăng trưởng của Mỹ đã đạt đỉnh và có thể sẽ chậm lại, nhưng chúng tôi không hy vọng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra và được phản ánh trong dữ liệu thời gian sắp tới”, các chuyên gia từ Danske Bank chia sẻ và khuyến nghị nếu Fed thực sự hy vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường phục hồi thì ngân hàng trung ương này có lẽ cần phải cam kết nới lỏng chính sách hơn nữa, bắt tay vào cắt giảm lãi suất sâu hơn và nhanh hơn.
Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ phê duyệt việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 và có thể là một lần cắt giảm nữa trước khi kết thúc năm.
Tương lai chính sách tiền tệ như Nhật Bản
Trong khi đó, chia sẻ trên CNBC hôm thứ Ba, kinh tế trưởng của Saxo Bank, ông Steen Jakobsen dự đoán lãi suất sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay, và đồng ý rằng việc nới lỏng chính sách sẽ không dừng lại ở đó.
Jakobsen cho rằng có thể trông đợi lãi suất cắt giảm thêm nữa mà “không phụ thuộc vào lạm phát gia tăng” và “độc lập với thực tế là nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng 1,6-1,8% trong năm nay”.
Ông cho rằng Fed muốn ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế hơn là mạo hiểm để rồi hối tiếc trong tương lai nếu nền kinh tế chuyển sang tình trạng tiêu cực.
“Cuối cùng, tôi nghĩ các nhà đầu tư nên bắt đầu tự chuẩn bị cho tương lai mà giờ đây là trước vấn đề chính sách tiền tệ sẽ như của Nhật Bản”, ông Jakobsen nói.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản từ lâu đã theo đuổi chính sách tiền tệ để thích ứng với một nền kinh tế khá đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi giá cả đi xuống trong nhiều thập kỷ. Đất nước này đã phải chịu một “thập kỷ mất mát” do tình trạng giảm phát, các công ty buộc phải giảm giá hàng hóa dịch vụ để vực dậy nhu cầu thị trường đi xuống, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và tác động đến nền kinh tế.
“Tôi nghĩ rằng sẽ thật mỉa mai khi không ai học được từ lịch sử. Mọi thứ Nhật Bản từng làm đã được lặp lại tại ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), Fed và Ngân hàng Trung ương Anh, vì vậy chúng tôi biết tương lai là gì”, ông nói.