Nhiều phán quyết trọng tài bị tòa án hủy
Giải quyết tranh chấp bảo hiểm: Phương thức trọng tài nhiều lợi thế | |
Tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng |
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM cho biết: Các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn đến những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, cũng như đánh giá cao các hoạt động của VIAC trong thời gian qua.
VIAC không chỉ giúp các doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp mà còn là trung tâm trọng tài đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Tuy nhiên, trọng tài và hòa giải không thể được thực hiện tốt nếu thiếu cơ chế hỗ trợ từ hệ thống tòa án, theo ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Về công tác hỗ trợ, ông Tiến cũng cho biết Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý nhiều việc, số lượng tăng qua các năm. Đáng nói là trong đó có 26 việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; yêu cầu về khiếu nại thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài là 4 việc; công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài 7 việc.
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, từ thực tiễn Tòa án hỗ trợ trọng tài thời gian qua, ông Tiến cho biết chủ yếu là cách tiêp cận và hiểu khác nhau.
Ví như cách tiếp cận vấn đề Tố tụng trọng tài giữa cơ quan Tòa án với trung tâm trọng tài, đã có một số thẩm phán không căn cứ vào điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (trước đây là điều 341 BLTTDS 2005): “Thủ tục giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam” và điều 12 Luật Trọng tài thương mại, mà tư duy theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự dẫn đến huỷ phán quyết trọng tài không đúng.
Hội đồng trọng tài của các vụ việc cụ thể thường gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, nhưng một vài trong số họ có hiểu biết cũng như thực hành tố tụng trọng tài chưa nhiều, ít kinh nghiệm xử lí các tình huống tố tụng nên thường chú trọng nhiều vào phần nội dung tranh chấp mà dẫn đến thiếu sót về tố tụng.
“Các thẩm phán giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trong nhiều trường hợp, không tiếp xúc nhiều với thực tiễn trọng tài và nội dung lĩnh vực tranh chấp nên đã có những quan điểm khác nhau trong đường lối giải quyết vụ việc trọng tài”, ông Tiến cho biết.
Cùng với đó, giới hạn đến đâu là “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam” theo Nghị quyết số 01/2014/HĐTP-NQ trở thành một vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua giữa các chuyên gia.
Việc xem xét phán quyết có vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không, và vi phạm một hay nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật mà nguyên tắc đó phải liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của trọng tài cũng là thách thức không nhỏ cho các thẩm phán, do vụ án tranh chấp thường có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành luật điều chỉnh, cũng như văn bản hướng dẫn thi hành nên đòi hỏi kiến thức chuyên sâu cần thiết để đánh giá.
“Ngay trong nội bộ các thẩm phán cũng tranh luận rất gay gắt về quan điểm đánh giá một phán quyết trọng tài nào là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam. Do đó, việc có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này là không thể tránh khỏi”, ông Tiến cho biết.