Tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng
Thúc đẩy hoạt động trọng tài và hòa giải nhằm cải thiện môi trường kinh doanh | |
Tòa án quá tải, trọng tài vắng vẻ | |
Giải quyết tranh chấp tín dụng: Hòa giải có nhiều lợi thế |
Các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới rất “nhạy cảm” và luôn chuyển dịch đến hay đi phụ thuộc vào các yếu tố điều kiện của nước sở tại.
72% nhà đầu tư không muốn chọn tòa án
“Trước khi tới một địa điểm đầu tư mới, nhà đầu tư luôn quan tâm đến nền tảng pháp lý ở nước chủ nhà xem có đầy đủ không, có công bằng không và nếu có tranh chấp xảy ra thì cơ chế giải quyết tranh chấp thế nào?”, ông Paul Sandosham đến từ Clipfford Chance (Singapore) cho biết. Và một nhà đầu tư nước ngoài đã chia sẻ, hơn 20 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam nổi lên như một xu thế mới, ông đã tới Việt Nam nhưng khi đó vị này khá băn khoăn khác hẳn tâm trạng khi tới Singapore.
40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án |
“Ngay từ lúc đi từ sân bay về thủ đô Singapore tôi đã thấy những tấm biển giới thiệu và chỉ dẫn tới Trọng tài thương mại Singapore và tôi thấy đầu tư vào nước này là yên tâm. Nhưng khi tới Việt Nam lần đầu, tôi không tìm thấy những chỉ dẫn như thế. Cho đến khi chúng tôi biết ở Việt Nam có Trọng tài thương mại quốc tế (VIAC) ở cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn”, nhà đầu tư này phát biểu.
Hiện nay, ở Việt Nam 72% các nhà đầu tư cho biết tòa án không phải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án. Ông Nicolas Wiegand, luật sư điều hành CMS Hasche Sigle Hồng Kông cho biết, thủ tục tòa án không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có nhiều điểm không phù hợp với yêu cầu của các tranh chấp thương mại.
Các số liệu trích từ PCI 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp.
Trước hết là e ngại về năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp. Tiếp theo là e ngại các phán quyết của tòa chưa công bằng, và bắt buộc phải áp dụng theo luật pháp Việt Nam và ngôn ngữ Việt Nam. Thứ nữa, với đội ngũ của hệ thống tòa án ở Việt Nam hiện nay và số lượng vụ án đưa đến tòa thì thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… Ngược lại, nếu chọn trọng tài, các bên được lựa chọn trọng tài viên, được lựa chọn luật và ngôn ngữ.
Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Tòa trọng tài quốc tế ICC khẳng định, “thành tựu kinh tế của Việt Nam thật đáng kể, Việt Nam đứng trong top những nước có tốc độ phát triển nhanh ở cả thế giới và khu vực lại có sự ổn định cao. Đây là một số những yếu tố đảm bảo hoạt động đầu tư thành công nên dòng vốn FDI vào Việt Nam càng tăng”. Khi dòng đầu tư vào nhiều cũng có nghĩa khả năng xảy ra tranh chấp ngày càng lớn và trọng tài thương mại càng có ý nghĩa, ở Việt Nam có Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC.
Và một thông tin rất đáng lưu ý là trong các vụ việc trọng tài tại VIAC, có tới 50% các vụ có yếu tố nước ngoài và khoảng 24% số vụ tranh chấp có sự tham gia của ít nhất một bên là doanh nghiệp FDI. Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực Leasing.
Trọng tài thương mại tăng thêm tự tin cho hoạt động đầu tư nước ngoài
Ông Phạm Mạnh Dũng – Trọng tài viên của VIAC, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên những tranh chấp phổ biến liên quan đến FDI đã xảy ra và hướng ngăn chặn các tranh chấp tương tự như thế tiếp tục xảy ra.
Qua kinh nghiệm 30 năm công tác liên quan đến FDI, ông Dũng cho biết những vướng mắc chủ yếu mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải ở Việt Nam dẫn đến tranh chấp liên quan đến thu hồi quyền sử dụng đất, tranh chấp về hoạt động kinh doanh liên quan đến đầu tư, mua bán, xây dựng, bảo hiểm… và các tranh chấp giữa các nhà đầu tư rất đa dạng. Năm 2017 ông thấy chỉ có khoảng 72 vụ vướng mắc được đưa đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý nhưng hiện nay bình quân mỗi tuần có một vụ tranh chấp liên quan đến yếu tố nước ngoài được gửi tới cơ quan trung ương.
Hiện có 60 quốc gia vùng lãnh thổ có doanh nghiệp có tranh chấp được giải quyết tại VIAC. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore là những quốc gia có số doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất. Ông Dũng cho biết, theo nghiên cứu của WB 2013 từ khảo sát 100 nền kinh tế cho thấy ở cả 100 nền kinh tế này đều công nhận trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Theo các trọng tài viên đến từ các trung tâm trọng tài quốc tế, với Việt Nam, Trọng tài thương mại đã tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm”, các dòng vốn này sẽ đổi dòng theo các điều kiện và môi trường của điểm đến. Nhận thức rất rõ điều này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư và kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.
Và trong hơn 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài, hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động trọng tài ngày càng hoàn thiện và có cơ chế bảo đảm cho thi hành phán quyết trọng tài góp phần tăng tính hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.