Nhiều ý kiến về tài sản không chứng minh được nguồn gốc
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội | |
Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm |
Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cần thiết về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.
Từ thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua, đại biểu Đỗ Hải Bình, đoàn Hải Phòng cho rằng, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong nhân dân.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV |
Đồng tình với phương án trường hợp kết luận tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì phải chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế để thực hiện việc thu thuế TNCN theo trình tự của pháp luật, đại biểu Đỗ Hải Bình cho rằng, theo phương án này có thể đáp ứng được yêu cầu, xử lý kịp thời đối với xử lý tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thực hiện thu thuế TNCN dường như chưa thật sự có cơ sở chắc chắn khi chỉ tạm coi đây là khoản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Điều đặc biệt hơn ở đây là theo phương án này việc thực hiện thu thuế ngay khi chính người phải nộp thuế TNCN lại không được giải trình hợp lý tài sản thu nhập phải chịu thuế là của họ.
Các đại biểu khác thì cho rằng, với phương án thu thuế TNCN phải đồng thời, sửa đổi Luật Thuế TNCN để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế. Các đại biểu đề nghị cân nhắc mức thuế bảo đảm phù hợp với thực tiễn; đồng thời đề nghị giao cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế TNCN mà không dùng Luật này để sửa đổi Luật Thuế TNCN.
Tán thành phương án trong dự thảo Luật là thu thuế TNCN, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, nếu sau đó nhà nước chứng minh được tài sản này thuộc phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì có thể khiếu kiện ra tòa án hành chính để giải quyết. Theo phương án này xử lý nhanh, kịp thời không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.
Không đồng tình với phương án xem xét tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho rằng, thực tế thủ tục quy trình xử lý qua Tòa án khó có thể tiến hành nhanh chóng vì có thể đối tượng khởi kiện ra Tòa án cao hơn như vậy phải đưa ra tòa án tái thẩm, giám đốc thẩm khiến thời gian xử lý kéo dài. Trong khi đó, Luật Thuế TNCN, Luật Quản lý thuế đều có quy định xử lý đối với những trường hợp cố tình không kê khai tài sản thu nhập để tính thuế.
“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét thật kỹ lưỡng, không thể đồng tình phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình nguồn gốc sẽ chuyển Tòa án. Thanh tra, điều tra không chứng minh tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không có chứng cứ, cơ sở pháp lý quy tội và không thể chuyển Tòa án xét xử. Thực tế những vụ án phạm tội, người khai đưa ông A, B, nhưng tòa không thể kết tội vì không có căn cứ. Hoặc có những vụ án Chủ tịch xã với trưởng phòng quản lý đất đai khi nhận tiền người dân nhưng bị truy tố thì Chủ tịch xã không phạm tội, phòng quản lý đất đai thì phạm tội nhưng không có căn cứ cụ thể”, ông Phương phân tích.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum phân tích thêm, nhiệm vụ tòa án phải chứng minh được nguồn gốc nhưng trong dự án Luật lại chưa có quy định để tạo nguồn lực để Tòa án xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Các đại biểu khác thì cho rằng, cả hai biện pháp mà UBTV Quốc hội trình ra đều chưa phải là giải pháp căn cơ xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre đề nghị: tài sản tham nhũng là phải tịch thu và phải có giải pháp “phòng” ngừa tham nhũng. Ông đề nghị nên giữ phương án cũ, xác minh chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ và đạo luật này chủ yếu là đạo luật về phòng chứ không phải đi xử lý các vấn đề nghiệp vụ.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi tham nhũng đã và đang lan tỏa ra ngoài khu vực nhà nước làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Đồng thời đề nghị cần có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản thu nhập của những người kê khai; quy định người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản thu nhập hàng năm, còn các đối tượng khác thì phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu so sánh, đối chiếu khi bổ nhiệm vào chức cao hơn hoặc khi bị tố cáo có biến động tăng về tài sản thu nhập.
Phát biểu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải thích rõ hơn, tài sản đang được bàn đến ở đây là loại tài sản tăng thêm của cán bộ, công chức, người trong diện xem xét mà cả cá nhân người có tài sản và cơ quan có chức năng đều chưa chứng minh được. Nó mới chỉ ở dạng có thể có khả năng do tham nhũng mà có chứ chưa thể khẳng định là do tham nhũng. Vì nếu đã khẳng định là do tham nhũng, đương nhiên phải tịch thu, xử lý hình sự. Cũng theo bà Nga, nếu phát hiện có hành vi kê khai không trung thực thì trước mắt là xóa tên khỏi danh sách HĐND, ĐBQH, không quy hoạch, không bổ nhiệm.