Những vụ cà phê chưa hết… đắng
Ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết, vụ cà phê 2019 - 2020 là vụ sản lượng cà phê Việt Nam đạt thấp, do vụ 2017 - 2018 là vụ có sản lượng cao hơn vụ trước và đối với sinh lý cây cà phê thì năm trước được mùa năm sau sẽ mất mùa. Tiếp theo là giảm diện tích do giá cà phê thấp, lợi nhuận từ các cây trồng khác (bơ, sầu riêng) cao gấp 3 - 4 lần nên người nông dân đã chuyển sang các cây trồng khác và xen canh trong vườn cà phê.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích này đã lên 102.000 ha, khiến diện tích cây cà phê giảm đáng kể dẫn đến giảm sản lượng trong vụ tới. Ngoài ra, năm nay mưa nhiều và mưa lớn kéo dài, nước đọng, nhiều vườn cà phê quả non rụng quá mức bình thường. Có những vùng ở Gia Lai mức rụng quả lên đến 20%, các vùng khác trên 10%… nên dự báo sản lượng vụ tới thấp hơn vụ vừa qua.
Thị trường cà phê trong nước hiện vẫn rất ảm đạm |
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng của cây cà phê là giá thành sản phẩm hạt cà phê quá thấp, ngang mức sàn (giá cà phê nhân xô chỉ còn 30.000 đồng - 33.000 đồng/kg). Trong khi giá nhân công, phân bón luôn ở mức cao. Điều nghịch lý này đã khiến người đầu tư vào trồng cà phê rất vất vả, thu không đủ chi, dẫn đến chán nản và chặt bỏ rất nhiều vườn cà phê để trồng các loại cây khác có doanh thu tốt hơn, mà giá ít bị biến động hơn, chịu hạn được tốt hơn như sầu riêng, chanh leo, bơ…
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk đến cuối tháng 4/2019, thời tiết mới bắt đầu mưa, trong khi đầu mùa vụ cà phê mới là từ ngay sau Tết Nguyên đán, người trồng cà phê phải tưới nước ngay. Chi phí tưới nước vụ 2019 – 2020 này ước tăng hơn vụ trước là 20%, đây cũng là khoảng thời gian giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tiếp. Đến tháng 4/2019 thì giá điện tăng trong khi giá cà phê nhân lại liên tục sụt giảm, khiến người trồng cà phê thua lỗ không ít.
Về thương mại cà phê, ở thị trường nội, đến tuần đầu tháng 8/2018 giá cà phê nhân xô Robusta trong nước vẫn tiếp tục ở mức thấp theo giá thế giới. Nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức thấp nhất là 32.700 đồng/kg tại các huyện Di Linh và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Được giá nhất là ở mức 33.700 đồng/kg tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk). Nhưng nguồn cung từ dự trữ của nông dân hiện đã cạn kiệt, mà mức giá này vẫn rất bèo bọt. Hiện các hoạt động giao dịch cà phê trong nước vẫn rất chậm, do nguồn cung và giá giảm thấp. Vicofa dự báo, giao dịch cà phê tại Việt Nam sẽ diễn ra ảm đạm cho đến niên vụ 2019/2020 bắt đầu vào tháng 10/2019.
Về xuất khẩu, trong 7 tháng/2019 kim ngạch xuất khẩu cà phê đã giảm đến 19,11% so cùng kỳ năm 2018. Ở các thị trường nhập khẩu lớn như, Đức chiếm 13,2% thị phần và Hoa Kỳ (Mỹ) chiếm 9,8%, nhưng trong 7 tháng/2019 xuất khẩu cà phê sang Đức giảm đến 13,6% về trị giá, mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ hai cho Đức. Và hiện tại, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Đức đã giảm từ 25,2% 7 tháng/2018, xuống còn 22,2% trong 7 tháng/2019.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn do nguồn cung đang vượt nhu cầu. Bất chấp việc tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 1,8% trong năm 2019, nhưng mức tăng này chưa đủ hỗ trợ tăng giá cà phê trên thị trường thế giới. Hay việc căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, cũng gây bất lợi lên giá các mặt hàng nông sản trong thời gian tới, trong đó có mặt hàng cà phê.