Niềm tin cho doanh nghiệp đã vững vàng
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh | |
Sự ổn định lâu dài là lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam |
Môi trường thuận lợi
Trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2017 - Cơ hội bình đẳng cho mọi người” do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, Việt Nam tăng 9 bậc trong Bảng tổng kết môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 82/190 nước trên thế giới, xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
Đánh giá này cho thấy, WB đã quyết định nâng bậc cho Chính phủ Việt Nam chính bởi sự cải thiện về chất lượng thể chế. Còn ở trong nước, niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy thông qua tinh thần khởi nghiệp và nỗ lực quay trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước |
Còn nhớ rõ, ngay từ đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng DN và truyền đi thông điệp về một Chính phủ đổi mới, kiến tạo và đồng hành cùng với sự phát triển của DN. Thủ tướng nêu rõ: "DN là động lực phát triển kinh tế đất nước", chính vì vậy Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy DN trong nước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Với tinh thần này, các bộ ngành, cơ quan công quyền, thực thi luật pháp... đã cùng nhau bắt tay vào cuộc để tạo ra hành lang thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo đà cho các DN chuyển động, bứt phá. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế bộ này đã bãi bỏ được 32 TTHC và đơn giản hóa 40 TTHC, triển khai nộp thuế điện tử, thí điểm hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử.
Trong lĩnh vực hải quan công khai 168 TTHC, kiến nghị đơn giản hóa 7 TTHC, giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu và 13 ngày đối với nhập khẩu…
Hay, một trong những vấn đề khó khăn, nhiều DN gặp phải trong thời gian qua chính là việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tái lập, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giải quyết triệt để thông qua chủ trương, chính sách điều hành quyết liệt, bơm vốn ra thị trường, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tiền đồng, thực hiện kết nối ngân hàng - DN nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã mạnh dạn trong việc đề xuất bãi bỏ hơn 3.000 giấy phép con để "cởi trói" cho các DN không bị các điều kiện, quy định kinh doanh ràng buộc, gây phiền nhiễu, cản trở trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế...
"Niềm tin vào môi trường kinh doanh đã được khơi dậy, đó là dấu ấn và động lực quan trọng nhất mà Chính phủ đã tạo ra cho cộng đồng DN" - khẳng định này của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh thông thoáng, rộng mở mà Chính phủ nỗ lực kiến tạo nên cho cộng đồng DN trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra "luồng sinh khí", động lực mới đối với các DN trong mọi thành phần, lĩnh vực cùng hăng hái thi đua xây dựng kinh tế đất nước.
DN khởi sắc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng/2016, cả nước có 101.683 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 797 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 1.464 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế đạt trên 2.261 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% về số DN và tăng 48,1% về vốn đăng ký...
Ngoài ra, điểm đáng quan tâm trong 11 tháng năm nay còn có 24.560 DN quay trở lại hoạt động, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên 126,2 nghìn DN... Con số này đã cho thấy, môi trường mới đã tạo ra cho các DN "bệ đỡ" chắc chắn và động lực để hồi sinh, phát triển.
Quan trọng nhất chính là niềm tin, sự mạnh dạn quay trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư tham gia thương trường của các DN, cũng như cho thấy khuôn khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN đang phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, cộng đồng DN cả nước đặc biệt cảm nhận và đánh giá cao tinh thần và hành động của Chính phủ theo hướng kiến tạo, phục vụ người dân và DN. Các mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN, hướng tới mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 chỉ có thể đạt được bằng những nỗ lực đột phá.
Cộng đồng DN, trong đó có các DNNVV sẽ nỗ lực, cố gắng vươn lên để trở thành các DN lớn, có uy tín, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch, mặc dù niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu sôi nổi, nhưng nền kinh tế và cộng đồng DN vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức mà các Kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phải tính đến một cách cẩn trọng.
Trong thời gian tới các bộ, ngành nên tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, các rào cản không còn phù hợp, các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư để trình Quốc hội sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của DN và đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế..
"Việt Nam cần tăng cường vai trò và mức độ tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của DN, có cơ chế đối thoại thường xuyên, lập nhiều kênh thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các DN và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị, hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các DNNVV, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp... để từ đó tạo “làn sóng” mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước" - TS Lịch nhấn mạnh.