Nỗi buồn mang tên... thư viện
Ảnh minh họa |
Hầu hết trường học các cấp từ tiểu học, THCS đến THPT của Hà Nội đều có thư viện riêng, tuy nhiên hiệu suất sử dụng còn rất hạn chế mà nguyên nhân đầu tiên không thể không kể đến là cơ sở hạ tầng.
Rất nhiều năm nay, hệ thống thư viện trường học dường như bị “bỏ quên” do quá tải học sinh, các trường phải cắt giảm diện tích các phòng chức năng để dành “đất” cho phòng học, nhiều nơi thư viện phải “đảm nhiệm” cùng lúc mấy chức năng, vừa là “kho” cất giữ sách, giá vẽ, đàn organ, vừa là phòng tập múa, tập hát. Hoặc thư viện diện tích quá nhỏ, chật chội và nóng bức, trang thiết bị cũ, máy tính chậm… Đặc biệt, tư duy về thư viện của các cấp, ngành liên quan và chính nhà trường vẫn còn rất “cũ” trong việc xây dựng và phát triển thư viện, đa phần đều coi thư viện, cũng giống như các môn học về nghệ thuật, thể chất, kĩ năng, là môn phụ. Do đó, thời lượng dành cho các tiết học này cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất luôn được xếp sau.
Quỳnh Mai, học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học quận Thanh Xuân thẳng thắn, em biết thư viện nhà trường ở đâu nhưng không biết trong đó "có gì" bởi nghỉ giải lao giữa giờ của học sinh chỉ có 5 - 10 phút, nếu em lên thư viện cũng "chẳng biết làm gì" bởi nếu có "đọc" cũng không hết nổi nửa cuốn truyện tranh! Huống chi là tra cứu sách, tìm danh mục!
Có thể thấy, hệ thống thư viện trường học đã và đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu, mà đáng lẽ đây phải là nơi đặt những viên gạch nền móng trong xây dựng thói quen đọc cho các thế hệ học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Hiện nay những hoạt động này thường chỉ được tổ chức ở các cấp tiểu học. Chỉ có một vài trường THCS còn duy trì tiết thư viện cho các học sinh lớp 6 và thi thoảng tổ chức các chương trình giới thiệu sách, còn tại nhiều trường THPT, hầu như “trắng” các hoạt động về sách và thư viện thường vắng bóng học sinh.
Chị Bùi Thị Minh Trang, nhân viên thư viện trường THCS Nghĩa Tân cho biết: “Số học sinh thường xuyên lên thư viện mỗi ngày mỗi tuần của thư viện trường có khoảng 30 em. Đó là con số khả quan so với nhiều trường học khác, bởi thư viện nằm trên tầng 5, nên các em cũng không thuận tiện lui tới thư viện mỗi giờ ra chơi. Tuy nhiên, trường THCS Nghĩa Tân thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách và giới thiệu đọc sách theo chủ đề đến các em. Đặc biệt, học kỳ nào cũng phát mẫu điều tra để biết xu hướng và sở thích đọc của các em để có thể cập nhật tốt nhất những cuốn sách “hot” và phù hợp. Thư viện của trường luôn khuyến khích học sinh mượn sách về nhà, đặc biệt là các tác phẩm văn học và các kì nghỉ hè, thư viện vẫn luôn mở cửa phục vụ bạn đọc”.
Mặc dù cách đây gần 10 năm, trong hướng dẫn dạy học 2 buổi/ ngày cho các trường tiểu học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quy định mỗi lớp phải có một tiết trong tuần đến thư viện đọc và làm theo sách, báo; bản thân các học sinh cũng rất hào hứng với tiết học này, nhưng ở rất nhiều trường học, các tiết học phụ như tiết thư viện thường bị “xin giờ” để hoàn thành nốt chương trình của các môn học chính. Mặt khác, hầu hết thư viện luôn được bố trí ở tầng cao nhất hoặc ở khu vực xa, khuất nẻo trong khuôn viên trường khiến học sinh ngại đến thư viện khi giờ ra chơi vốn rất ít ỏi; hoặc nếu có đến thường chỉ tìm đọc truyện tranh để kịp thời gian.
Để thư viện trường học “cập nhật” kịp với thời đại, thực sự là “điểm đến hấp dẫn” trong mỗi ngày đến trường của các học sinh, không chỉ cần sự đổi mới tự thân của từng thư viện, từng nhà trường mà còn cần sự thay đổi ở tầm rộng hơn, cao hơn là đưa vào chương trình học nhiều hơn các tiết thư viện. Và tiết học thư viện, các hoạt động đọc sách sẽ không chỉ đơn thuần dừng ở các tác phẩm văn học, lịch sử mà còn ở nhiều lĩnh vực khoa học khác. Các em đến thư viện không chỉ đơn thuần là đọc truyện, mà còn để tìm kiếm sách luyện tập, sách nâng cao, bổ trợ cho các môn học. Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh hoàn toàn có thể bắt đầu từ việc tạo lập thói quen đến thư viện.