Nông dân lại điêu đứng với nông sản
Để tận dụng cơ hội cho nông sản Việt | |
Kỳ vọng từ chuỗi liên kết |
Rớt giá thê thảm
Thực tế, vào thời điểm trúng giá, cây trồng này đã mang lại lợi nhuận từ 300 đến 400 triệu đồng/ha. Thế nhưng, gần đây trên thị trường loại nông sản này lại rớt giá thê thảm, khiến nhiều nông dân điêu đứng. Một lần nữa, vấn đề tìm đầu ra cho nông sản lại được đem ra mổ xẻ...
Chanh dây rớt giá, người trồng không buồn thu hoạch |
Nghệ An là một trong những địa phương phát triển diện tích trồng chanh dây khá nhanh ở khu vực bắc miền Trung. Theo đó, loại cây này được trồng khá nhiều ở các huyện miền núi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp như Quế Phong hay Tương Cương, Con Cuông...
Ông Hoàng Khắc Tuấn, một người trồng chanh dây ở huyện Quế Phong tính toán, kinh phí để trồng một 1 ha chanh dây người trồng phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, tập trung cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống giàn lưới. Để thu hoạch được tiếp năm thứ hai, người trồng phải tăng cường thêm các loại phân bón cũng phải mất khoảng 40 triệu đồng nữa... Năm nay, chanh leo đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha và với mức giá chỉ khoảng 4 - 5 nghìn đồng/kg, rõ ràng người trồng đã lỗ nặng.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã thừa nhận, cây chanh dây đang lâm vào vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”. Các cơ quan chức năng ở địa phương, đã có những kiến nghị với doanh nghiệp thu mua loại nông sản này tăng giá.
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên “thủ phủ” của cây chanh dây. Nếu như năm ngoái, với mức giá trên thị trường còn cao ngất ngưởng khi lên đến khoảng 40 nghìn đồng/kg, trung bình một ha chanh dây sau khi trừ hết các khoản chi phí người trồng còn thu về đến 350 triệu đồng. Vào thời điểm này, cây chanh dây thực sự gây sốt trên thị trường. Nhiều nhà nông đã có khoản thu nhập cao chỉ trong một thời gian ngắn. Hệ lụy, như nhiều loại nông sản khác, cứ thấy giá tăng cao là bà con lại đua nhau trồng.
Như ở Đắk Nông, địa phương có diện tích trồng chanh dây lớn ở Tây Nguyên, nông dân các huyện như Đắk Glong, Đắk Song... đã đua nhau chặt bỏ các loại cây khác để trồng chanh dây. Bởi vậy, diện tích trồng chanh dây của tỉnh đã tăng cao nhanh chóng.
Tại Đắk Nông, vào thời điểm tháng 7/2016, diện tích chanh dây trên địa bàn mới chỉ khoảng 485 ha, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã lên 892 ha. Một người dân trồng loại nông sản này ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, năm ngoái có thời điểm thương lái vào tận vườn thu mua với giá 45 nghìn đồng/kg. Với mức giá này người trồng có lãi lớn.
Thấy vậy, gia đình đã quyết định phát dọn vườn tiêu, làm hệ thống nhà giàn để trồng chanh dây. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sốt giá chỉ được một thời gian ngắn, giá chanh dây trên thị trường đã tụt dốc không phanh.
Đến nay, chỉ còn 4 - 5 nghìn đồng/kg. Trong khi, để trồng được loại cây này, người trồng phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, hệ thống nước tưới... Giá xuống quá thấp, người trồng không lấy đủ vốn chứ chưa nói đến việc có lãi. Bởi vậy, nhiều gia đình trồng chanh dây ở miền Trung - Tây Nguyên đang lâm vào cảnh điêu đứng.
Thêm bài học về thị trường
Có thể nói, cây chanh dây hiện đang đứng trước “khủng hoảng thừa” như nhiều loại nông sản, hay vật nuôi khác của người nông dân đã từng phải “giải cứu”. Song, những bài học nhãn tiền vẫn không khiến nhiều người rút ra được kinh nghiệm, cũng như đặt ra những dấu hỏi về vai trò quản lý, điều tiết của các cơ quan chức năng.
Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn diện tích trồng chanh dây trong cả nước đã tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nguyên, đến nay thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn khu vực đã có khoảng 6 nghìn ha chanh dây. Đơn cử như tại Gia Lai, cây chanh leo du nhập vào địa phương từ năm 2012. Cuối 2015, diện tích mới chỉ khoảng 300 ha, đến nay Gia Lai đã có đến gần 1.300 ha chanh dây.
Tương tự, Lâm Đồng cũng đang có khoảng 656 ha, Đắk Lắk 500 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Pắc… Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn nhiều, khi có nhiều hộ dân trồng nhỏ lẻ...
Khi thấy giá chanh dây trên thị trường được giá, nhiều hộ dân đã nhanh chóng quyết định chặt bỏ các loại cây khác như, cà phê, điều, hồ tiêu... để thay thế bằng chanh dây. Nhiều hộ dân còn mặn mà hơn với loại nông sản này khi thời gian canh tác ngắn, bán được giá, thu hồi vốn nhanh...
Trước việc chanh dây đang rớt giá thê thảm trên thị trường, một số địa phương đã đưa ra những khuyến cáo đối với bà con nông dân về loại nông sản này. Mới đây, để tránh chạy theo phong trào gây thiệt hại về kinh tế, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích, nghiêm cấm chặt phá các cây cao su, cà phê, điều để chuyển sang trồng chanh dây.
Bởi, việc chặt bỏ nhiều ha cà phê, điều hay cao su sẽ khiến mất cân bằng cây công nghiệp ở địa phương. Cơ quan chức năng ở địa phương cũng đề nghị người dân cảnh giác có nhiều doanh nghiêp thu mua chanh dây chỉ là lợi dụng bán giống, bán phân chứ không chủ động liên kết tiêu thụ giúp nông dân.
Nói về nguyên nhân khiến giá chanh dây đang tụt dốc như hiện nay, nhiều người cho rằng nguyên nhân có từ cả hai phía ở bên cung lẫn bên cầu. Về phía cung, chỉ trong một thời gian ngắn diện tích trồng tăng vọt, số lượng chanh dây tung ra thị trường cũng tăng theo. Trong khi, về phía cầu thị trường chính của chanh dây Việt Nam vẫn chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Trong khi, vào thời điểm này cũng đang là mùa thu hoạch chanh dây ở Trung Quốc, việc tiếp cận thị trường này cũng sẽ khó khăn hơn... Đã rất nhiều lần người nông dân trong nước đã khốn đốn khi “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”. Việc chanh dây rớt giá trên thị trường, nhiều hộ dân lại cứ lâm vào cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng. Đến đây, không ít người đã đặt ra câu hỏi, liệu chanh dây có phải là sản phẩm nông sản tiếp theo mà chúng ta phải “giải cứu”, sau khi đã phải “giải cứu” dưa hấu, khoai lang, lợn hơi hay thanh long...?