Để tận dụng cơ hội cho nông sản Việt
Tiềm lực nâng cao giá trị nông sản Việt | |
Kỳ vọng từ chuỗi liên kết |
Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt
Theo thống kê Bộ Công Thương, Việt Nam và Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc cũng tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua. Đây là cơ sở để hai bên đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong từng lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.
Các trái cây có hạt của Việt Nam chưa được xem xét cho nhập khẩu vào Hàn Quốc |
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, số lượng nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu nhập khẩu nông sản và thực phẩm hàng năm của nước này. Thực vậy, theo thống kê của Bộ Công Thương kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam vào Hàn Quốc năm 2016 mới đạt 1,3 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến của thị trường này lên tới 33 tỷ USD.
Bên cạnh nhu cầu lớn đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, ông Chu Thắng Trung, Tham tám thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc còn cho biết, mặc dù Hàn Quốc là quốc gia có chính sách bảo hộ các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến trong nước rất cao, nhưng nhờ có cam kết cắt giảm thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) mà các loại nông sản thế mạnh của Việt Nam như tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp, hoa quả nhiệt đới vẫn được tăng cường xuất khẩu.
Lợi thế ưu đãi thuế quan là ưu thế cạnh tranh rất lớn của nông sản, thực phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác tại thị trường Hàn Quốc. Thậm chí, Việt Nam còn được Hàn Quốc mở cửa đối với một số mặt hàng được coi là hết sức nhạy cảm đối với nước này như: tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… Đây được coi là lợi thế vượt trội để nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần tại Hàn Quốc trong thời gian tới.
Cùng đó, ông Yoon Byungsoo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Công ty Lotte Mart Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng đưa sản phẩm vào các siêu thị của Lotte Mart và được chấp nhận thì có thể xem là giấy thông hành để hàng hóa nông sản Việt Nam đi vào hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc.
Giải pháp để chinh phục thách thức
Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội tại thị trường Hàn Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt là không thể chối cãi. Thế nhưng thị trường Hàn Quốc là thị trường khó tính với quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu. Theo ông Heo Songmoo, Tham tán phụ trách vấn đề kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, nông sản, thực phẩm là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Do đó Hàn Quốc đặt ra yêu cầu tất cả các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đảm bảo tiêu chí an toàn ở mức độ cao nhất. Tại Hàn Quốc, mỗi nhóm sản phẩm khác nhau được áp dụng quy định về an toàn riêng và được xây dựng thành Luật cụ thể như: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở động vật, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Quản lý dịch bệnh từ thủy sinh, Luật Vệ sinh thực phẩm…
Khẳng định điều này, ông Chu Thắng Trung cho rằng để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các sản phẩm nhập khẩu, Hàn Quốc có một quy trình phân tích rủi ro nhập khẩu rất phức tạp và có thể kéo dài nhiều năm. Điển hình của việc áp dụng quy trình này là hiện nay các trái cây có hạt của Việt Nam như: bưởi, cam, quýt vẫn chưa được xem xét cho nhập khẩu vào Hàn Quốc, mặc dù đã xuất sang nhiều thị trường khác.
Các doanh nghiệp không thể viện dẫn lý do khách quan về thời tiết để thuyết phục cho sản phẩm không đồng đều về kích cỡ cũng như độ ngọt… Doanh nghiệp phải kiểm soát được chất lượng và kích cỡ nếu muốn thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Trên thực tế, Việt Nam là nước có sản lượng chuối khá lớn, trong khi đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng này, song chưa nhập được từ Việt Nam. Nguyên nhân do các vườn chuối của Việt Nam được trồng bởi các hộ nông dân riêng lẻ, quy trình sản xuất khác nhau dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Mặt khác, nông dân Việt Nam cũng chưa biết cách để duy trì chất lượng sản phẩm ổn định ở các mùa vụ khác nhau nên rất khó hợp tác với các nhà nhập khẩu, phân phối uy tín của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc rất xem trọng hình thức của hàng hóa, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc cần phải đầu tư hợp lý cho việc thiết kế mẫu mã, bao bì của sản phẩm.
Ông Lê An Hải khẳng định, Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng đối với mặt hàng nông sản, thế nhưng doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thì phải tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở đó.
“Không thể thấy sản phẩm của chúng ta tốt, được người Việt Nam săn lùng thì người Hàn Quốc cũng sẽ tiếp nhận, mà cần tìm hiểu là họ có cần mặt hàng đó hay không. Cụ thể, đối với chúng ta, yến sào, hải sâm là hàng cao cấp, nhưng thị trường Hàn Quốc lại rất thích các sản phẩm từ trái nhàu như trà trái nhàu, trà khổ qua…”, ông Hải nói.