Minh bạch để nâng cao kỷ luật ngân sách
Kỷ luật tài chính chưa nghiêm
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc quản lý tài chính ngân sách những năm gần đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, vẫn còn sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội ban hành “Luật NSNN thường niên” thay cho Nghị quyết ngân sách hàng năm để nâng cao tính pháp lý và tăng kỷ luật tài chính.
“Bản chất Luật lần này là quy định về quy trình, thủ tục, xem xét, quyết định, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp trong lĩnh vực NSNN. Để phù hợp với nội dung này, nên đổi tên thành Luật Quản lý NSNN, không trùng với Luật NSNN thường niên”, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị.
Thu xổ số và thu sử dụng đất phải hạch toán vào thu cân đối NSNN
Về quy trình xem xét quyết định NSNN, một số đại biểu cho rằng, thực tế, việc lập dự toán NSNN được bắt đầu từ ngày 15/5 hàng năm và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Tại đây, các đại biểu góp ý nhiều nội dung về cơ cấu lại thu, chi, điều chỉnh bội chi, nhưng việc tiếp thu khó khăn vì thời gian ngắn, với dự án NSNN và phân bổ NSNN trung ương cũng rất khó điều chỉnh. Vì vậy, để đảm bảo thực quyền của Quốc hội, đề nghị xem xét quyết định NSNN vào 2 lần trong năm.
Cụ thể, vào kỳ giữa năm Quốc hội sẽ quyết định khung NSNN, xem xét tổng thu, tổng chi, định hướng ưu tiên một số ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, vào kỳ họp cuối năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội dự toán thu chi chính thức và phương án phân bổ NSNN Trung ương cụ thể để Quốc hội quyết định.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tồn tại lớn nhất trong quản lý và sử dụng NSNN hiện nay tập trung ở 4 vấn đề lớn. Thứ nhất, duy trì quá lâu lồng ghép NSNN Trung ương và địa phương. Hệ quả là tạo ra sự không minh bạch giữa trung ương và địa phương, tạo cơ chế xin cho tồn tại và thiếu minh bạch.
Thứ hai, kỷ luật ngân sách - nói nôm na “ngân sách Việt Nam là ngân sách mềm đến mức độ tùy tiện”, tồn tại quá nhiều quỹ ghi thu, ghi chi, thu vượt thì chi vượt, có khoản cho ai vay không biết nhưng trả nợ thì trình Quốc hội. Chúng ta sử dụng ngân sách mềm đến mức thiếu kỷ cương. Chúng ta sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả.
Thứ ba, tính tự chủ của địa phương không có. Địa phương không biết cái gì của mình, HĐND không biết quyết cái gì và chủ yếu quyết cái người ta đã quyết. Không khai thác nguồn thu và sử dụng hiệu quả chi.
Thứ tư là quy trình thiết lập ngân sách, tức là thụ động trong thiết lập, kiểm soát ngân sách. Ông Lịch khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được tồn tại này, nhưng vấn đề là chúng ta muốn cải cách hay không”.
Chính vì vậy, đại biểu Lịch cho rằng, cần phải minh bạch các điều khoản của ngân sách Trung ương và địa phương. Cái gì của địa phương nên để HĐND quyết và chịu trách nhiệm, cái gì của Trung ương thì Quốc hội chịu trách nhiệm.
Đây là cơ chế trách nhiệm giám sát. Theo phương thức như vậy, Quốc hội vẫn thông qua Nghị quyết về NSNN hàng năm nhưng theo 2 bước: Bước 1, kỳ giữa năm, Quốc hội thảo luận phần phân bổ ngân sách, minh bạch trước Quốc hội, sau đó Chính phủ cùng Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội phân bổ vào đúng khuôn mẫu mà Quốc hội quyết. Bước 2, kỳ họp cuối năm, Quốc hội nhìn khuôn mẫu đó, nếu đúng thì thông qua, cái nào không đúng thì "bốc" ra khỏi danh mục phân bổ NSNN.
“Nếu làm được như vậy, NSNN sẽ từng bước được minh bạch, rõ ràng, đồng thời khuyến khích các địa phương nâng phần chủ động tăng thu cho NSNN”, ông Lịch nhấn mạnh.
Thu NSNN phải phản ánh đúng thực tế
Về phạm vi thu NSNN, nhiều đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật lần này phải phản án đúng thực thu của NSNN. Theo đó, thu xổ số và thu sử dụng đất phải hạch toán vào thu cân đối NSNN, không sử dụng 2 nguồn thu này để tính tỷ lệ điều tiết và thu bổ sung.
Một số đại biểu cũng đồng tình với việc coi lệ phí là khoản thu của Nhà nước thì đưa vào khoản thu của NSNN. Nhưng với các khoản phí cần phân biệt thành 2 loại. Phí nào do Nhà nước đầu tư, cơ quan Nhà nước đảm nhận thì đưa vào thu NSNN và chi cho bộ máy thực hiện lĩnh vực này, hạch toán vào chi NSNN để đúng với thực tế.
Đối với phí mà bản chất là giá dịch vụ thì đề nghị không đưa vào NSNN mà điều chỉnh theo Pháp lệnh Giá nếu cần điều chỉnh.
Về hoàn thuế GTGT, Ban soạn thảo đề nghị không đưa vào chi NSNN mà khấu trừ từ thu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, như vậy sẽ phản ánh không đúng thực trạng chi của NSNN. Bởi việc hoàn thuế không chỉ với xuất nhập khẩu mà còn hoàn thuế với đầu tư trong nội địa, khấu vào thuế xuất nhập khẩu là phản ánh không chính xác. Vì vậy, để phản ánh thực thu thực chi, khoản thu xuất nhập khẩu hạch toán vào thu NSNN, khoản chi hoàn thuế phải hạch toán vào chi NSNN.
Đối với khoản vay về cho vay lại, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phân biệt 2 loại. Loại nào vay về cho vay lại, nhưng có khả năng thu hồi thì đưa ra khỏi NSNN, hạch toán lại theo kênh tín dụng Nhà nước. Đối với khoản chi từ nguồn này nhưng không có khả năng thu hồi thì hạch toán vào chi để tính bội chi NSNN
Về bội chi NSNN Trung ương và địa phương, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, chúng ta nên cho phép địa phương được bội chi và khống chế trần dư nợ công với từng địa phương khác nhau. Ông đề nghị bội chi ngân sách địa phương cũng cần quy định trong Luật để phản ánh đúng vấn đề.
“Bội chi NSNN chỉ tính là NSNN Trung ương mà không có bội chi của các cấp địa phương là phản ánh không đúng vấn đề. Đề nghị nếu Quốc hội quy định bội chi NSNN thì bội chi ngân sách địa phương giao cho HĐND quyết định, nhưng đảm bảo không quá trần Quốc hội quy định”, ông Thụ đề nghị thêm.
Liên quan đến các quy định về chi chuyển nguồn, các đại biểu cho rằng, chi chuyển nguồn bản chất gồm 2 loại, chưa chi và loại tạm ứng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn quyết toán. Tuy nhiên, việc cho phép chi chuyển nguồn đã dẫn đến phản ánh sai lệch thực chất của quyết toán chi, dẫn đến năm ngân sách không còn ý nghĩa.
Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với quy định cho phép chi chuyển nguồn, bởi những năm gần đây, chi chuyển nguồn ngày càng lớn, lên đến 25% tổng NSNN. Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có nên tiếp tục cho chi chuyển nguồn ở Luật này hay không. Nếu cho phép chuyển nguồn theo Luật Đầu tư công thì phải quy định chặt chẽ để phản ánh sát hơn thực tiễn.
Trần Hương