Phát triển nhanh và bền vững là mệnh lệnh của cuộc sống
Động lực phát triển kinh tế địa phương | |
TPP được thông qua với tên gọi CPTPP | |
Quốc hội quyết năm 2018 tăng trưởng 6,5% - 6,7%, CPI bình quân khoảng 4% |
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - GS.TS. Vương Đình Huệ tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 15/11/2017.
Tăng trưởng nhanh là số lượng, tăng trưởng bền vững là chất lượng
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng đã cùng giới chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra các luận cứ phân tích mức tăng trưởng đột biến ở quý III dựa trên cơ sở nào, để cho thấy “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá”. Hội thảo cũng phân tích đâu là những nút thắt và rào cản của tăng trưởng để xác định rõ hơn các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ - PGS.TS. Vương Đình Huệ và các chuyên gia tại Hội thảo |
Phó Thủ tướng khẳng định phát triển nhanh và bền vững là chủ trương rất rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới. “Chúng ta phải phát triển nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta với các nước trong khu vực và thế giới để chúng ta không tụt hậu hơn nữa. Nhưng chúng ta phải phát triển bền vững. Trụ cột của phát triển bền vững bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng xác định tăng trưởng nhanh là số lượng, tăng trưởng bền vững là chất lượng. Tăng trưởng bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh tế quốc tế. Nhưng đồng thời tác động của tăng trưởng bền vững cũng củng cố kinh tế vĩ mô và hội nhập quốc tế.
Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. “Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng trước hội thảo, GS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói rằng: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm qua khá tốt, đặc biệt quý III vừa rồi, nhất là cơ cấu tăng tưởng ổn định theo hướng tiến bộ. Các lĩnh vực chế biến, chế tạo, du lịch… tăng cao và đóng góp cho tăng trưởng chung theo hướng mô hình tăng trưởng hướng vào chất lượng. Với tốc độ như vậy thì mục tiêu GDP đạt 6,7% đặt ra cho năm nay sẽ thành hiện thực và sẽ là tiền đề vững chắc cho năm 2018. Nhưng tăng trưởng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau”.
Chính phủ cần phải làm gì?
Là người sẽ trình bày báo cáo tổng quan, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Trần Đình Thiên, chia sẻ với Thời báo Ngân hàng trước hội thảo: "Trong bối cảnh tình hình giải ngân đầu tư công chậm (vốn trái phiếu Chính phủ mới được 9%, vốn đầu tư công hơn 50%), các ngành khai thác tài nguyên như dầu khí giảm, khu vực DN nội địa yếu và DN có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều thách thức… nhưng mức tăng trưởng kinh tế quí III đã tăng gấp rưỡi so với mức của quí I. Vậy tại hội thảo, các luận cứ phải giải trình được về mức tăng trưởng đột biến ở quý III dựa trên cơ sở nào, động lực nào để cho thấy “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá”.
“Nhìn nhận các động lực tăng trưởng phải nhìn cả một quá trình chứ không thể nhìn trong các lát cắt ngắn hạn để thấy được tính hợp lý của tăng trưởng kinh tế”, ông Thiên nói. Theo ông, chỉ dấu của chất lượng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu đã xuất hiện sau nhiều năm Chính phủ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vì vậy, vấn đề rất quan trọng đó là tiếp tục tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung lại phân tích tăng trưởng ở khía cạnh thể chế và môi trường kinh doanh. Ông đã chỉ ra những nỗ lực của Chính phủ: Suốt từ năm 2016 đến nay, trong tất cả cuộc họp hàng tháng của Chính phủ đều có thảo luận và chỉ đạo cụ thể về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các Nghị quyết 19, 35 đã được ban hành và thực hiện 2 năm qua. Kết quả đạt được tuy đáng ghi nhận nhưng vẫn còn xa với kỳ vọng. Tái cơ cấu thì quá chậm chạp và kết quả đạt được còn quá ít.
“Tái cơ cấu kinh tế thời gian qua không có nhiều kết quả như mong đợi. Vậy có tiếp tục làm không? Động lực tăng trưởng 30 năm qua đã tốt rồi nhưng giờ phải thay đổi và thay đổi thế nào, chúng tôi sẽ bàn về những vấn đề này”, ông Thiên nói và nhấn mạnh: “Bản thân các tuyên bố Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính cũng tạo cảm hứng cho xã hội rồi, nó lan toả sang các lĩnh vực, ngành khác và phải duy trì sự lan toả, thực thi thực chất trong 3 năm sau của nhiệm kỳ này, tức là ta phải tái cơ cấu nghiêm chỉnh thì đất nước sẽ khác”.
“Trong điều kiện tự do hoá thương mại có vẻ gặp nhiều trở ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội tốt nhưng cũng gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn nếu “lỡ tàu”, kinh tế thế giới có diễn biến khó đoán định, phục hồi không đồng đều. Trong nước thì thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó lường, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không có nhiều khi vừa giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm, mặt khác cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vậy Chính phủ cần phải làm gì?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Nhấn mạnh để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện? “Phải chăng động lực là dựa trên nền tảng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiệm vụ nào là trước mắt, hay nhiệm vụ căn cơ của tái cơ cấu nền kinh tế. Giải quyết mối quan hệ nguồn lực nước ngoài là quan trọng và nội lực trong nước là quyết định như thế nào?”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Hội thảo có hai phiên. Tại phiên thứ nhất có 4 báo cáo quan trọng được trình bày. Đó là Báo cáo tổng quan của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Báo cáo về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), Báo cáo về cải cách thể chế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Các báo cáo sẽ đánh giá một cách khách quan tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi đến năm 2017 và từ câu chuyện GDP tăng đột biến trong quý III/2017 đến các vấn đề kinh tế vĩ mô, hệ thống và xác định rõ các điểm nghẽn cho tăng trưởng, những thách thức mới về tăng trưởng để đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn.
Phiên thứ hai dành cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và ngân hàng cùng thảo luận về động lực của tăng trưởng, thời cơ và thách thức của nền kinh tế, các giải pháp chính sách cho Chính phủ để đạt được tăng trưởng hợp lý, hướng vào chất lượng tăng trưởng và đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định.
Hội thảo sẽ phân tích thảo luận về những điểm nghẽn trong quá trình tăng trưởng, những nỗ lực của Chính phủ và xem yếu tố nào tạo nên sự tăng trưởng, kiến nghị các giải pháp phát triển cho trung và dài hạn. Từ đó gửi thông điệp đến Quốc hội cùng công chúng, qua đó nhận thức tính thực chất của tăng trưởng.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết: “Thông điệp mà chúng tôi rất muốn truyền tải khi được Chính phủ giao tổ chức hội thảo là khẳng định một cách khách quan nhất về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là thực chất cũng như Chính phủ đã rất nỗ lực trong tạo lập môi trường kinh doanh”.
Thời báo Ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tại hội thảo.