Động lực phát triển kinh tế địa phương
Nghệ An: Để có thể “lấp đầy” các khu công nghiệp | |
Ngành Ngân hàng Nghệ An: Động lực phát triển kinh tế của tỉnh |
Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN chi nhánh Nghệ An đã triển khai tích cực các chương trình tín dụng cho các ngành, lĩnh vực đặc thù theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của NHNN đối với các TCTD trên địa bàn để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, như: Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; chương trình hỗ trợ ngư dân vay vốn, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn…
Cùng với đó, tích cực tham gia giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng, lãi suất giữa TCTD với khách hàng, phát huy vai trò cầu nối giữa chi nhánh NHNN với các TCTD và khách hàng, các đơn vị có liên quan để chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh nợ xấu, tạo niềm tin cho khách hàng và sự đồng thuận của các cấp, các ngành đối với hoạt động ngành Ngân hàng.
Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế, không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Trong năm 2017, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng cao ở hầu hết các kênh huy động, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.
Ước đến 31/12/2017, nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt hơn 167.628 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nguồn vốn được đầu tư trở lại nền kinh tế cũng đã phát huy hiệu quả tích cực.
Các chương trình, chính sách tín dụng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. Các TCTD trên địa bàn đã tập trung nguồn vốn cho các chính sách phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các chương trình, dự án nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2017 ước đạt hơn 167.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm; trong đó, tổng dư nợ tín dụng thương mại (tách riêng Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội) ước đạt 140.220 tỷ đồng, tăng 18,8% so với đầu năm. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh được kiểm soát ở mức thấp, chỉ chiếm 0,95% tổng dư nợ, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 đặt ra dưới 3%, góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và đây là nền tảng quan trọng để ngành tiếp tục vươn lên thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2018, trên cơ sở mục tiêu, định hướng của ngành và địa phương, ngành Ngân hàng Nghệ An phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, để triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của địa phương, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa bàn. Phấn đấu năm 2018 đạt mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 15-20%.