Quốc hội quyết năm 2018 tăng trưởng 6,5% - 6,7%, CPI bình quân khoảng 4%
Thủ tướng và 4 tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội | |
Hoàn thiện các quy định, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính | |
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công |
Theo đó, về lĩnh vực kinh tế, năm 2018 phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.
Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP. Về lĩnh vực xã hội, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội) |
Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề; đồng thời yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng, lao động, việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh. Tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu Quốc hội đề ra; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của Trung ương và chính quyền địa phương; không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước.
Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của hệ thống kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Kiên quyết thoái hết vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường...
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh. Tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường. Bảo đảm điều kiện kinh doanh bình đẳng của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có giải pháp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công; đẩy nhanh công tác phân bổ, giao vốn và giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án hạ tầng quan trọng, có sức lan tỏa cao và kết nối phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai ở một số địa phương. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội; hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng. Nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Quốc hội.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, coi doanh nghiệp là trọng tâm, động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Tạo cơ chế, chính sách phát triển rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực, thực chất về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; tổ chức lại và xây dựng hệ thống đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, giảm bớt các khâu trung gian để giảm bớt rủi ro, chi phí cho nông dân; nghiên cứu triển khai các loại hình bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sâu và chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và nông sản, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Phát triển hiệu quả các ngành kinh tế biển, hỗ trợ diêm dân, ngư dân đánh bắt xa bờ, người dân sinh sống trên các đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, bảo vệ môi trường và an ninh nông thôn.
Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó trọng tâm là đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và công nghiệp; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, logistics, du lịch...; thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo chuyển biến rõ nét, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, bảo đảm an toàn cho du khách. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tăng cường liên kết vùng, địa phương; nâng cao hiệu quả điều phối vùng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, hiệp hội, ngành nghề trong định hướng, quy hoạch sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ, tích cực tìm đầu ra cho nông sản. Phát triển thị trường truyền thống gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu…