Phó Thủ tướng: Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt, hiệu quả | |
2 năm triển khai Nghị quyết 42: Vẫn còn vướng nhiều rào cản |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Ngành Ngân hàng cùng các cơ quan liên quan đã triển khai tích cực, bài bản Nghị quyết số 42, và Quyết định 1058. Kết quả đạt được khá toàn diện, nợ xấu giảm rất nhanh. Năm 2017 tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống 7,36%; năm 2018 giảm tiếp về 5,85%; và 8 tháng của năm nay là 4,84%.
Mục tiêu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về 3% là hoàn toàn có thể đạt được. Kết quả xử lý nợ xấu (XLNX) thời gian qua đã tạo thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 42 vào năm 2020, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu các TCTD. Kết quả này của ngành Ngân hàng cùng các chính sách vĩ mô khác đã giúp chúng ta giữ vững và tăng cường được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm của hệ thống TCTD trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thế giới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; Nghị quyết số 42, và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này. Chúng tôi cảm ơn Quốc hội đã thấu hiểu chia sẻ những khó khăn trong XLNX, ban hành Nghị quyết số 42, tạo ra sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TCTD trong XLNX. Hiện đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel II và nhiều ngân hàng “sạch” nợ ở VAMC. Tôi đánh giá rất cao thành công và nỗ lực của ngành Ngân hàng, của đồng chí Thống đốc cũng như toàn bộ Ban lãnh đạo NHNN trong triển khai Nghị quyết 42.
Nghị quyết Đại hội Đảng XII nêu rõ tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu cao rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng. Do đó, Đảng, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có hệ thống TCTD và gắn với XLNX.
Nhiệm vụ này còn khó khăn hơn khi dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đã chật hẹp, trong khi “độ mở” của nền kinh tế lớn, nếu giải quyết không khéo thì vừa không hiệu quả kinh tế, vừa gây bất ổn vĩ mô. Ưu tiên số một của chúng ta là phải ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các cú sốc, tác động từ biến động thế giới cũng như trong nước; đảm bảo an toàn của hệ thống. Chủ thể cuối cùng trong XLNX vẫn phải là các TCTD do đó cần đề cao vai trò XLNX của chính các TCTD.
Chúng ta phải đặt việc thực hiện Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 trong tổng thể Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Trong XLNX kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc biệt với chính sách đặc thù. Đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD trong XLNX. Đồng thời đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, vì quan điểm của Chính phủ là XLNX không phải việc riêng của hệ thống ngân hàng...
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 1058 và bám sát các chỉ đạo hàng năm của Chính phủ, ngành Ngân hàng cần khẩn trương phê duyệt phương án tái cơ cấu và triển khai tái cơ cấu các ngân hàng còn lại; tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện phương án xử lý các TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong xử lý TCTD yếu kém; sử dụng các quy chế phối hợp liên ngành để cùng XLNX; xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông tin kết nối để thuận lợi hơn trong XLNX.
Đồng thời cần nâng cao năng lực của TCTD đảm bảo an toàn và cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng vốn điều lệ cho TCTD; nâng cao chất lượng tín dụng chú trọng cơ cấu tín dụng và cơ chế kiểm soát rủi ro tốt hơn; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nguồn thu của TCTD, tăng tỷ trọng thu từ hoạt động phi tín dụng; các TCTD phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn; phát huy đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra của Ngành, có cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh thêm nợ xấu mới...
Tôi cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn các tòa án địa phương thực hiện thủ tục rút gọn trong xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn cho ngân hàng. Cùng với đó cần sớm bổ sung vốn điều lệ cho VAMC; tiếp tục triển khai giải pháp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản; chỉ đạo cơ quan thuế trong thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý TSBĐ…