Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt, hiệu quả
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng chủ trì hội nghị. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các chi nhánh NHNN, các NHTM trên cả nước tham dự hội nghị…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu gắn với XLNX |
XLNX hiệu quả gấp đôi nhờ Nghị quyết 42
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, Nghị quyết 42 về thí điểm XLNX của các TCTD là một văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng. Qua các quy định từ Nghị quyết này, lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến XLNX và tài sản bảo đảm (TSBĐ) các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và có hiệu lực cao nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong XLNX. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về XLNX, NHNN cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD. Đồng thời, để tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành Ngân hàng trong các giai đoạn tiếp theo, NHNN cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được 2 năm. Thời gian tuy chưa dài nhưng lãnh đạo NHNN khẳng định, các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản trên cùng với Quyết định 986 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác XLNX và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng trong thời gian tới, thể hiện định hướng chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.
Báo cáo cụ thể hơn về kết quả triển khai các quyết sách lớn trên, ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 42, Quyết định 1058, Quyết định 986 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, đến nay hầu hết các phương án cơ cấu lại của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt.
Kết quả cơ cấu lại và XLNX của các TCTD bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%). Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả XLNX trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác XLNX của hệ thống các TCTD.
Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống là 11,9% cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định. Hầu hết các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định pháp luật. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 592,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm ngoái. Vốn chủ sở hữu đạt 857,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2018. Năng lực quản trị điều hành của các TCTD cũng từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đến nay đã có 11 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn...
Là một trong những ngân hàng XLNX hiệu quả nhất trong hệ thống, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng vui mừng cho biết, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã tạo niềm tin cho các cán bộ ngân hàng về XLNX, xóa bỏ cục máu đông của nền kinh tế. Những năm trước đây, mỗi năm Vietcombank thu được 1.500 đến 2.000 tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng. Nhưng năm 2018 đã xử lý và thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng bổ sung vào kết quả kinh doanh, và năm nay dự kiến số tiền thu về từ XLNX còn cao hơn.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả mà NHNN cũng như toàn bộ hệ thống đã đạt được trong triển khai Nghị quyết 42, Quyết định 1058 và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng theo Quyết định 986. Kết quả này của ngành Ngân hàng cùng các chính sách vĩ mô khác đã giúp giữ vững và tăng cường được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm của hệ thống TCTD trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 |
Những trở ngại cần được hóa giải
Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và tồn tại.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc lớn trong triển khai Nghị quyết 42, ông Du cho biết, có 7 vướng mắc lớn mà các TCTD, VAMC đang gặp phải. Đầu tiên là khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Tại một số địa phương, dù được cấp ủy, chính quyền sở tại ủng hộ và đánh giá cao về mặt chủ trương, nhưng trong công tác triển khai thực tế Nghị quyết 42, các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan trên địa bàn lại chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng… nên còn vướng mắc trong phối hợp xử lý.
Kế đến, khó khăn liên quan đến xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu như đối với việc thu giữ, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ; đối với áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự. Về mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ cũng vấp phải một số khó khăn như thẩm định giá, chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ…
Để việc triển khai Nghị quyết 42, Quyết định 1058 và Quyết định 986 có hiệu quả thời gian tới, lãnh đạo NHNN đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với XLNX, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các TCTD... bảo đảm phù hợp thực tiễn tại Việt Nam và tiệm cận thông lệ quốc tế. NHNN sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án đã được phê duyệt để chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các NHTM Nhà nước và cổ phần hóa Agribank.
Tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, đúng chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung xử lý và hoàn thiện cơ chế xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém không có khả năng phục hồi bằng các hình thức phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chuẩn mực an toàn theo thông lệ quốc tế (Basel II) tại Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp XLNX theo Nghị quyết 42.
Khẳng định những mục tiêu ngắn hạn cũng như trung, dài hạn NHNN cũng như hệ thống ngân hàng đang thực hiện là đúng hướng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sau hội nghị này Ban lãnh đạo NHNN sẽ thông báo kết quả và các nhiệm vụ, giải pháp triển khai tái cơ cấu gắn với XLNX trong giai đoạn 2019-2020 cũng như nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý pháp quy làm sao đưa vào những nội dung, vấn đề mới, xử lý những tồn tại hạn chế về khung khổ pháp lý. Công tác quản lý đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng cũng sẽ được tiếp tục củng cố và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa… Tuy nhiên một lần nữa, người đứng đầu ngành Ngân hàng yêu cầu các TCTD nghiêm túc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được cũng như các vấn đề tồn tại, hạn chế trong hoạt động của mình để triển khai quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa Đề án tái cơ cấu gắn với XLNX. Song song với đó, công tác thanh tra giám sát cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn để củng cố chất lượng hoạt động hệ thống TCTD.
“Ngành Ngân hàng cam kết với Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trong thời gian tới, NHNN, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu thực hiện thành công nội dung đặt ra trong Nghị quyết 42 cũng như Đề án 1058 cơ cấu lại hệ thống TCTD và những vấn đề Quốc hội, Chính phủ đặt ra cho hệ thống ngân hàng”, Thống đốc khẳng định và bày tỏ tin tưởng rằng với sự cố gắng của NHNN, nỗ lực của hệ thống TCTD các mục tiêu, cũng như giải pháp đặt ra cho Ngành trong năm 2019, đặc biệt cho năm 2020 sẽ thực hiện thắng lợi. Bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, lãnh đạo NHNN hy vọng tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ của các địa phương để giúp cho hệ thống ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Qua đó đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội và của đất nước.