Phương Tây tố giác phương Đông rửa tiền
Theo đó, ngày 7/7, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã bắt đầu điều tra một loạt quan chức ở cơ quan MARA của chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính và phát triển tộc người Malaysia. Đồng thời, đã khóa sáu tài khoản khi điều tra văn phòng của Quỹ 1MDB do ông Najib thành lập năm 2009 và giữ chức chủ tịch.
Nhiều nước châu Á liên quan đến “rửa tiền” |
Vụ điều tra này xuất phát từ cáo buộc của Úc cho rằng nhiều quan chức cao cấp của Malaysia tham gia vụ rửa tiền và tham nhũng trên đất Úc. Theo đó, có nhiều vụ mua bán bất động sản được cho là bất thường vì giá của các căn hộ được nâng lên cao so với thực tế. Nhờ sự giúp đỡ của các công ty bất động sản Úc và Malaysia, giá bán từ 17,8 triệu được đẩy lên 22,5 triệu đô la Úc. Và phần tiền chênh lệch này được chia chác cho các quan chức trong MARA.
Các phóng viên của tờ The Age (Úc), đã điều tra và phát hiện phần tiền lại quả cho các quan chức Malaysia lên đến 4,7 triệu đô la Úc - tương đương 3,66 triệu USD. Số tiền được ẩn dưới danh nghĩa “phí tư vấn” thanh toán cho công ty của Malaysia có mối liên hệ thân thiết với quan chức MARA. Từ đó, giới chức Úc đã vào cuộc điều tra với nghi ngờ đây là vụ tham nhũng và rửa tiền.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu quan chức Malaysia cũng như những nghi can Úc dính vào vụ này, nhưng vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak (Malaysia) khiến nhiều người bàng hoàng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, cựu lãnh đạo Malaysia, ông Mahathir Mohamed, đã kêu gọi ông Najib đưa ra cho công chúng các bằng chứng rằng tài sản của ông là hợp pháp. Nếu không, ông Najib sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.
Không chỉ ở Malaysia, Trung Quốc cũng đang đối mặt với vấn nạn tham nhũng. Cụ thể, ngày 22/6 vừa qua BBC đưa tin, các công tố viên ở Florence (Ý) cáo buộc chi nhánh Bank of China tại nước này tham gia vào hoạt động mờ ám rửa 4,5 tỷ euro bất hợp pháp từ Ý sang Trung Quốc.
Theo quan chức của Ý, số tiền này có nguồn gốc từ các ngành kinh doanh bất hợp pháp như mại dâm, hàng giả, trốn thuế, bóc lột lao động của các tổ chức mafia Trung Quốc chuyên hỗ trợ di cư bất hợp pháp từ nước này đến Ý. Hãng tin Ansa của Ý cho biết thêm, liên quan tới vụ việc trên, 4 quan chức cấp cao của Bank of China có thể bị truy tố. Tính đến thời điểm này, Ý đã truy tố 297 người có liên quan.
Các nhà điều tra Ý cho biết, gần một nửa của 4,5 tỷ euro đã được chuyển trái phép từ Ý về Trung Quốc trong khoảng từ năm 2007-2010 thông qua chi nhánh của Bank of China tại Milan. Đổi lại, ngân hàng này đã nhận 857.000 euro tiền hoa hồng. Số tiền trên được chuyển về Trung Quốc qua hàng triệu lần giao dịch, mỗi lần có mức dưới 2.000 euro và dưới 1.000 euro để tránh bị nghi ngờ và điều tra, Ansa cho biết thêm.
Điều đáng nói, Bank of China là một trong 5 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất tại Trung Quốc, có chi nhánh nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là câu chuyện rửa tiền của Bank of China có thực sự chỉ xảy ra ở Trung Quốc, hay còn diễn ra ở các nước mà ngân hàng này đặt trụ sở. Bởi trong năm 2014, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát sóng phóng sự dài 20 phút cáo buộc Bank of China tham gia rửa tiền và giúp các khách hàng ở Trung Quốc né tránh các quy định về chuyển tiền xuyên biên giới.
Theo đó, chi nhánh của Bank of China tại một số thành phố ở Trung Quốc đã chuyển lượng lớn tiền mặt ra nước ngoài cho các khách hàng có kế hoạch di cư. Trong một số trường hợp, ngân hàng này còn làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh để giúp khách hàng che giấu nguồn gốc số tiền của họ.
Dẫn lời của hãng tin AP, với những vụ việc đã phơi bày về nền kinh tế ngầm có quy mô lớn của Bank of China, danh sách điều tra tham nhũng rửa tiền của Bank of China sẽ được mở rộng thêm ở một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.