Quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp: Bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi
Ngân hàng – Doanh nghiệp: Đôi bên phải thực sự tin tưởng nhau | |
Ngân hàng – doanh nghiệp liên kết phát triển cùng đất nước |
Các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD |
Nỗ lực từ phía ngân hàng
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để làm tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế, cũng như vai trò khai thác và cung ứng các nguồn lực về vốn, tài chính cho các DN.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN. Với DNNVV, tại Thông tư số 45/2018/TT-NHNN, NHNN hướng dẫn các TCTD trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ với mức lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng ngành, lĩnh vực của bên cho vay. Các chính sách cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, DNNVV hoạt động trong ngành lúa gạo, DN công nghiệp hỗ trợ... cũng được cơ quan điều hành rất quan tâm.
Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, hàng năm NHNN luôn chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức các chương trình kết nối để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cập vốn tín dụng của DN. Tính đến 30/9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt hơn 1,475 triệu tỷ đồng - tăng 12,9% so với cuối năm 2018. Dư nợ đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 225.266 tỷ đồng - tăng 1,15% so với cuối năm 2018...
Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, tuy nhiên ông Hùng cũng nhìn nhận, thực tế vẫn còn nhiều DN phản ánh chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân xuất phát từ cả phía DN, ngân hàng và cơ chế chính sách như: nguồn lực về vốn của các NHTM còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu... Trong khi các DN chủ yếu có quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế đến ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh; nhu cầu vay vốn của DN thường rất lớn so với quy mô tài sản...
Đẩy mạnh quan hệ cộng sinh
Trao đổi tại Toạ đàm, ông Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đưa ra một số đề xuất để giúp DNNVV tiếp tục phát triển như: cần rà soát quy trình, điều kiện theo hướng đơn giản hơn; tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các TCTD, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV để đối tượng này có vốn cho sản xuất kinh doanh.
Theo đó, TCTD cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, tập trung khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ DN xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao...
Trong khi ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ cũng đề xuất, các TCTD nên chủ động cùng DN tìm hiểu, có đánh giá thực tiễn với các đề xuất cho vay của các DN, nhất là DNNVV và DN khởi nghiệp; áp dụng các biện pháp cho vay tín chấp dựa trên đánh giá tín dụng, kinh nghiệm sản xuất, tài sản hình thành từ vốn vay... Nếu cần thiết, có thể có sự thẩm định của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ (có chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố) trước khi đưa đến TCTD, thậm chí có thể bảo lãnh một phần nhu cầu về vốn của DN.
Nêu ra thực tế khi các NHTM hiện nay vẫn chưa thật sự nhìn nhận và đánh giá đúng về đối tượng DN công nghiệp hỗ trợ khi bản thân các DN này sản xuất sản phẩm chủ yếu là linh kiện, phụ tùng, doanh thu không lớn, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đưa ra hai đề xuất.
Thứ nhất, NHNN có thể hỗ trợ để NHTM tạo ra một platform (nền tảng) cho vay bảo lãnh theo chuỗi cung ứng, và đề nghị các tập đoàn lớn tham gia cùng.
Thứ hai, có giải pháp để hỗ trợ về lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ, từ đó sẽ giúp cải thiện được tình hình tín dụng, vốn, giúp DN cạnh tranh bình đẳng với các DN khác trên thị trường...
Lắng nghe các ý kiến của đại diện Hiệp hội DNNVV các địa phương, đại diện lãnh đạo NHTM, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, những nội dung trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc là cơ sở thực tiễn quan trọng để NHNN tiếp thu, xây dựng chính sách tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thành công chính sách ưu đãi hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Để hướng tới mục tiêu thực hiện tốt chính sách hỗ trợ DN trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN và các NHTM cần tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, đặc biệt là truyền thông các chương trình, dự án của NHTM hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để DN biết và thực hiện.
Song song với đó, Phó Thống đốc cũng đề nghị các Hiệp hội ngành nghề nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN thành viên…