Ngân hàng – doanh nghiệp liên kết phát triển cùng đất nước
Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng VI khởi xướng năm 1986, đến nay, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, diện mạo đất nước giờ đây có nhiều đổi thay, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực sự trở thành lực lượng quan trọng cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong hành trình đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất - kinh doanh.
Agribank cùng ngành Ngân hàng tích cực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển |
Cùng ngành Ngân hàng tích cực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển
Những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khu vực tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết số 10-NQ-TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, qua 31 năm phát triển gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank luôn giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nền kinh tế, góp phần tích cực cùng hệ thống chính trị thực hiện thành công sự nghiệp phát triển “Tam nông”.
Agribank đi đầu trong thực hiện các chính sách tín dụng quan trọng. Nguồn vốn Agribank đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% thị phần cung ứng vốn tín dụng cho lĩnh vực này của Việt Nam. Bên cạnh đó, Agribank đang cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch thanh toán của người dân, doanh nghiệp. Agribank cùng ngành Ngân hàng luôn luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân...
Tuy là NHTM phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng nguồn tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Agribank ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Mọi sự thay đổi của Agribank đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng.
Sự phát triển lớn mạnh của Agribank ngày hôm nay gắn liền với quá trình lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước qua mọi thời kỳ.
Sự đồng hành, hợp tác, gắn kết giữa Agribank, ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tăng cường tính liên kết cùng nhau phát triển
Tính đến 30/6/2018, cả nước có 670.903 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng: Năm 2015 là 38,7%; năm 2016 là 38,9%; năm 2017 là 40,6%; năm 2018 là 43,3%. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế: Năm 2015 chiếm 43,22% GDP, năm 2016 chiếm 42,56%, năm 2017 là 41,74%. Khối doanh nghiệp này đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.
Xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong thời gian tới, về phía ngành Ngân hàng, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Từ thực tiễn triển khai, Agribank nhận thức rất rõ rằng, tăng cường tính liên kết giữa các thành phần kinh tế sẽ nhân lên sức mạnh của cả nền kinh tế nói chung. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất tạo điều kiện phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất.
Liên kết giúp người trực tiếp sản xuất có định hướng và đầu ra với giá bán ổn định, giảm bớt các khâu trung gian trong sản xuất đến sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, giá bán sản phẩm, nâng cao hiệu quả cho các chủ thể trong quá trình sản xuất… điều này rất cần thiết khi nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, làm theo kiểu truyền thống…
Để tăng cường tính liên kết của các chủ thể, Agribank mong muốn, thời gian tới đây, Việt Nam sẽ có chính sách bảo hiểm giá, rủi ro trong sản xuất kinh doanh cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất, sản lượng…; Sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu.
Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 Nhà”, do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “Nhà” và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết; nhất là sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng như: Xúc tiến nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận, gia hạn, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất...; Khuyến khích các Hiệp hội thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi …
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Agribank quyết tâm cùng ngành Ngân hàng thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và trở thành động lực phát triển đất nước, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam trong những giai đoạn phát triển mới.