Quyền sở hữu trí tuệ: Đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp
Gỡ vướng trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp | |
4 giải pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi EVFTA có hiệu lực | |
Sửa luật để đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP |
Mặc dù việc phát triển thương hiệu và đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với DN trong bối cảnh hội nhập, nhưng vẫn còn không ít DN tỏ ra thờ ơ và chưa quan tâm đúng mức. Nguyên nhân một phần do hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề này còn tản mạn, chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất đồng bộ nên khó áp dụng. Bên cạnh đó, một số DN chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT.
Quyền sở hữu công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với DN trong chiến lược phát triển |
Theo các chuyên gia, quyền SHTT, đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) có vai trò vô cùng quan trọng đối với DN trong chiến lược phát triển. Việc nắm giữ độc quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế… được coi là tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình khác, bởi vì qua đó, DN có thể nâng cao sức cạnh tranh. Đây cũng chính là thế mạnh giúp DN chống lại những hành vi gian lận và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH & CN) cũng khuyến cáo cộng đồng DN nên chủ động đăng ký bảo hộ SHCN cho nhãn hiệu hàng hoá của mình, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN...
Theo Cục SHTT, trong nửa đầu năm 2019 Cục đã tiếp nhận 55.047 đơn các loại, trong đó có 34.047 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Công tác xử lý đơn đăng ký SHCN có sự bứt phá mạnh với số lượng đơn được xử lý tăng cao kỷ lục, đến 66,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng rất cao, lần lượt là 79,2% và 83,8%. Cục đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ cho 16.285 đối tượng SHCN (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2018).
Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia và gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP thì vai trò của SHTT ngày càng được nâng cao. Đơn cử như đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thì các yêu cầu về bảo vệ quyền SHTT cũng được nâng lên. Bộ trưởng Bộ KH & CN Chu Ngọc Anh cho rằng, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề SHTT. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia. Những cam kết về SHTT của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao.
Tuy nhiên, các cam kết về SHTT cũng mang lại những thách thức không nhỏ cho các DN, tổ chức cá nhân tại Việt Nam. Việc chống xâm phạm quyền SHTT sẽ nghiêm minh hơn, chế độ thực thi quyền SHTT sẽ chặt chẽ hơn. Điều này có thể khiến các DN Việt Nam, đặc biệt khi chưa nhận thức đầy đủ về các nội dung quy định, có thể gặp khó khăn đối với một số thủ tục. Theo đó, bên cạnh những nỗ lực hoàn thiện chính sách, những cam kết về SHTT thì cần tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và DN về các cam kết của các Hiệp định thương mại để hội nhập.
Trên thực tế, hiện phần lớn những DN mới thành lập, DN khởi nghiệp ở Việt Nam mới chưa coi SHTT là một phần giá trị khi xây dựng DN. Theo ý kiến của các DN, việc các DN còn chưa mặn mà với điều này một phần cũng bởi việc ngăn chặn và xử lý vi phạm về quyền SHTT ở Việt Nam còn thiếu tính răn đe. Đã có rất nhiều vụ việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp, làm giả nhãn hiệu hàng hóa của DN được phát hiện nhưng việc xử lý chưa dứt điểm.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các DN đã được đăng ký nhãn hiệu. Không những thế, hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết nhưng do lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ, chưa quyết liệt.
Để góp phần khắc phục điều này, hiện Bộ KH & CN đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi Luật SHTT dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10/2019, hướng đến lợi ích của các bên tham gia và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.
Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia và gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP thì vai trò của SHTT ngày càng được nâng cao. Đơn cử như đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thì các yêu cầu về bảo vệ quyền SHTT cũng được nâng lên. Bộ trưởng Bộ KH & CN Chu Ngọc Anh cho rằng, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề SHTT. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia. |