Quyết liệt hành động, mới có thành công
Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý | |
Lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm dần đã được loại trừ | |
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng từ đầu năm |
Động lực tăng trưởng vẫn mạnh, đề phòng lạm phát
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng vẫn duy trì được gam màu tươi sáng. Nhìn ở phía cung, cả 3 khu vực: nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá tích cực.
Sản xuất công nghiệp vẫn đang là một động lực của tăng trưởng |
Trong khi tổng cầu vẫn đang trên đà cải thiện tích cực. Theo đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt tới 27,9 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục 28 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái; lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cũng đạt tới 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%.
Đặc biệt, xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao khi kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt tới 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có sự cải thiện tích cực khi tăng tới 16,8%.
Xuất khẩu tăng mạnh đã giúp cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục 6,4 tỷ USD. Tiêu dùng nội địa cũng tiếp tục được cải thiện khi mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 10 tháng tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31%, cao hơn so với mức tăng 8,79% của cùng kỳ 2017.
Tất cả những điều đó đã củng cố thêm niềm tin là tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đã đề ra.
Tuy vậy, đi cùng những kết quả này là những rủi ro và thách thức không thể bỏ qua. Trong đó, nổi lên là áp lực lạm phát. CPI tháng 10/2018 tiếp tục tăng 0,33% so với tháng trước khi có tới 10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với mức tăng 1,55% do tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 6/10.
Với diễn biến giá cả tháng 10 như vậy, tính chung 10 tháng CPI tăng 35,4%; còn so với cùng kỳ năm trước CPI tăng 3,89%. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 cũng tiếp tục nhích lên mức 3,60% từ mức 3,57% của 9 tháng.
Điều đó khiến mục tiêu giữ lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay vẫn là một thách thức lớn khi mà lạm phát thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm. Trong đó theo các chuyên gia, ẩn số khó đoán nhất với lạm phát là giá dầu mỏ thế giới – một yếu tố khách quan chúng ta không thể chủ động kiểm soát.
“Điểm tích cực trong ổn định lạm phát trong năm 2018 là CSTT đang được thực thi tương đối hiệu quả. Nhưng còn nhiều yếu tố khác từ phía chi phí đẩy, đặc biệt là giá dầu khiến mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% vẫn là thách thức”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, SSI nhận định.
Trong tháng 10 vừa qua, lạm phát cơ bản tăng 0,13% so với tháng trước, và như vậy lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2018 chỉ tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Cần đột phá trong phát triển DN
Một dấu hiệu đáng quan ngại khác là số DN giải thể, ngừng hoạt động 10 tháng qua tăng cao. Theo đó, 10 tháng qua cả nước có 109.611 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.116 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 4,3% về số DN và tăng 9,2% về số vốn đăng ký; nhưng số DN tạm ngừng hoạt động (bao gồm DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể) là 78.404 DN, tăng 48,5% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 13.307 DN, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong 10 tháng qua là 91.711 DN, bằng tới 83,6% số DN đăng ký mới.
Những số liệu này không chỉ cho thấy những quan ngại đối với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng DN trong ngắn hạn mà còn trong tương lai trung, dài hạn. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, để đạt được mục tiêu có 1 triệu DN sau 2 năm nữa (năm 2020) thì mỗi năm phải có thêm ít nhất trên 200.000 DN mới ra đời nếu tính dựa trên con số khoảng 600.000 DN đang hoạt động hiện nay và không có DN giải thể, ngừng hoạt động.
“Nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi vì tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là DN, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN”, ông Lộc phát biểu trên nghị trường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Theo vị Đại biểu Quốc hội này, điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các DN này không chỉ không bất lợi so với các DN lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.
“Để khai thông điểm nghẽn này, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội Luật sửa đổi các Luật Kế toán và Luật Thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá. Giải pháp này cộng hưởng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính… thì chúng ta sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp, chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân - chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN. Với hành trình này, mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu... DN ở nước ta, tưởng như xa vời, sẽ lại là mục tiêu trong tầm tay với. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được điều này”, ông Lộc đề xuất.
Mặc dù vậy, nhìn chung bức tranh kinh tế - xã hội 10 tháng là khá sáng sủa và điều đó càng củng cố thêm niềm tin nền kinh tế năm nay sẽ đạt được toàn bộ 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao.