Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý
Phối hợp điều hành tốt đã giữ ổn định lạm phát cơ bản ở mức thấp | |
Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền |
Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Sáng 30/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo trước Quốc hội tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo sáng 30/10 |
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tập trung triển khai các giải pháp điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Tín dụng được điều hành linh hoạt, một mặt đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, mặt khác kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Trong năm qua tín dụng đã tăng trưởng đều từ đầu năm, mặt bằng lãi suất ổn định đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Triển khai các giải pháp để thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm khuyến khích phát triển liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác để nắm bắt tình hình thiệt hại về nợ vay, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ; cân đối nguồn vốn để ưu tiên cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các địa phương bị thiệt hại thiên tai gây ra.
Tích cực xây dựng phương án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2017-2020
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, báo cáo cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Đến nay, đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đây là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo lập khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng và là giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, đã thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban; Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đến nay, các tổ chức tín dụng đang tích cực xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2017-2020 theo từng nhóm, loại hình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro; tiếp tục hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống chỉ tiêu giám sát.
Quản lý, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020; cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán được coi trọng; các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, trước nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm, những rủi ro, hệ lụy cho xã hội và thực tế một số vụ việc gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các giao dịch liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử.