Sản xuất công nghiệp giảm đà tăng trưởng
Ảnh minh họa |
Tốc độ tăng chậm lại của kinh tế toàn cầu đến từ các nguyên nhân như hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) của các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu chậm lại; Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa yếu đi …
Không nằm ngoài quy luật, triển vọng SXCN của Việt nam trong năm 2016 cũng đan xen những mảng màu sáng-tối.
Cụ thể, trong quý I/2016, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng khá tốt với mức tăng xấp xỉ 10%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ, đồng thời là mức cao nhất từ năm 2010 đến nay. Tình hình sản xuất một số mặt hàng vật liệu xây dựng cũng tương đối tích cực, sản lượng sắt thép và xi-măng tăng trưởng lần lượt 23% và 11% so với cùng kỳ, giá bán thép xây dựng tăng nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Từ diễn biến trên, giới phân tích cho rằng có thể kỳ vọng lạc quan về kết quả kết quả kinh doanh quý đầu năm các DN xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh cải thiện nhẹ bao gồm chế biến sữa, điện, thức ăn chăn nuôi…
Ở mặt khác, ngành có triển vọng khá tiêu cực là dầu khí do khai thác dầu thô quý I giảm 1% so với cùng kỳ, và giá dầu thấp trong giai đoạn đầu năm khiến cho hoạt động của các DN dịch vụ dầu khí bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn cử, giá dầu thô giảm mạnh khiến Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đang phải chịu những tác động xấu, đặc biệt với các mảng như tàu dịch vụ, FSO/FPSO và dịch vụ khảo sát.
Điều này đã được thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh của DN trong năm 2015, và nhiều khả năng còn tiếp diễn trong năm 2016. Cụ thể, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ước đạt lần lượt 19.705 tỷ đồng ( giảm 15,7% so với cùng kỳ) và 1.110 tỷ đồng (giảm 25,6% so với cùng kỳ).
Hiện tại, PVS chỉ trông đợi vào phân khúc cảng biển và cơ khí, như là các hoạt động trụ cột đem về lợi nhuận cũng như dòng tiền cho DN.
Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy hoạt động SXCN đang có mức tăng trưởng không tích cực bằng hai năm trước. Trước tình hình đó, có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số PMI cho thấy sự ổn định trong đơn hàng và sự cải thiện qua từng tháng, đồng thời quý I cũng là quý thấp điểm của hoạt động SXCN. Do đó, người ta có quyền kỳ vọng SXCN ổn định vẫn là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Có điều, điểm đáng báo động là hoạt động thương mại của khối FDI chưa cho thấy sự cải thiện dù dòng vốn giải ngân khá tốt trong thời gian qua. Chỉ số tăng trưởng nhập khẩu trung bình 3 tháng gần đây nhất giảm 6%, trong khi chỉ số xuất khẩu tăng 8,6%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Số liệu trên cho thấy dòng vốn giải ngân đang tập trung cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hoạt động sản xuất của khối FDI có dấu hiệu chững lại.
Từ đó, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Giới chuyên môn cho rằng điều này cần được theo dõi và cảnh báo trong thời gian tới nếu không thể hiện sự phục hồi.