Sản xuất hàng giả, hàng nhái: Trăm ngàn thủ đoạn
Chia sẻ khó khăn mà hàng hóa của DN mình đang phải đối mặt, ông Henry Nishikawa, Tổng giám đốc Công ty BMB (Nhật Bản) cho biết, năm nay là năm thứ 4 sản phẩm loa BMB được bán trên thị trường ở Việt Nam và hiện cũng bị làm nhái, giả khá nhiều. Uy tín của công ty đang bị đe dọa.
DN gặp khó khăn vì nạn hàng giả, hàng nhái |
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, riêng trên địa bàn Hà Nội, 10 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra hơn 54.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, xử lý gần 16.400 vụ, khởi tố hình sự 72 vụ, phạt hành chính hơn 520 tỷ đồng.
Đồng thời, trong 9 tháng đầu năm 2015, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý 149.926 vụ việc vi phạm, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014; số thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 8.759 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, khởi tố 897 vụ.
Ông Nguyễn Công San - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hàng giả đang được “nội địa hoá” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, rồi gắn nhãn mác thành phẩm xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản khá phổ biến.
Theo ông Nguyễn Công San, QLTT Hà Nội đã bắt được nhiều vụ hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, nhái các thương hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép Nilke, Adidas; đồ thời trang LV, Gucci, nước hoa, mỹ phẩm Lancome; điện thoại di động Samsung, Apple... được thẩm lậu vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Thậm chí hiện nay, nhiều đối tượng vi phạm còn lợi dụng cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt” đã đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để nhập lậu, đưa vào tiêu thụ trong nước như: bánh kẹo đặt làm từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất tại Hoài Đức, Hà Nội; bóng đèn sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông của Việt Nam... Có những sản phẩm ra mắt hôm nay, ngày mai đã có hàng giả.
Điều này cho thấy, giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang rất cấp thiết, nó không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn đe dọa trực tiếp tới uy tín của DN.
Tuy nhiên, khi xét đến các nguyên nhân khiến vấn nạn này gia tăng, theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn có cửa tiêu thụ trên thị trường hiện nay là do các DN chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu DN.
Theo ông Triệu Quang Thìn - Phó chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội, các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa mới tập trung vào sản xuất, việc nhận thức về sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu còn hạn chế, đây là điều rất bất lợi cho các DN trong tiến trình hội nhập AFTA và TPP.
Trong quá trình xử lý các vụ vi phạm, ông San cũng cho biết, khó khăn của các lực lượng chức năng hiện nay, là không nhận được sự hợp tác của các DN bị làm giả, làm nhái do lo ngại người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Mặt khác về phía người tiêu dùng còn một bộ phận không nhỏ do điều kiện kinh tế, nhận thức hạn chế đã “tiếp tay” tiêu thụ hàng giả, biết là hàng nhái, nhưng do giá rẻ, phù hợp túi tiền nên vẫn sử dụng.
Theo ông Nguyễn Công San, đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, câu kết với các DN nước ngoài sản xuất hàng giả tung ra thị trường. Vì vậy, hãy là người tiêu dùng thông minh để hàng giả, hàng lậu hết đất sống.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay, theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết sẽ tham gia thì tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ sẽ cao hơn rất nhiều.
“Do đó, các DN cần phải nghiên cứu, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, cần tạo được những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và nước ngoài. DN cần phải đầu tư để tạo ra những sản phẩm mới, bảo vệ mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Nếu bỏ qua điều này, DN sẽ phải chịu nhiều thua thiệt và rủi ro”, ông Lâm nói.