Sẽ “thắt lưng buộc bụng” để hóa giải nợ công?
Thêm trách nhiệm kìm giữ nợ công | |
Nợ công: Rủi ro vỡ nợ thấp nhưng mức độ an toàn không bền vững | |
Điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực đến nợ công | |
Đừng hoảng hốt với nợ công |
Dưới góc nhìn của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2016 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, song vẫn còn không ít khó khăn bởi rất nhiều yếu tố tạo áp lực tác động đến nền kinh tế...
Kinh tế năm 2016 sẽ ra sao?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bắt đầu từ quý II/2015, kinh tế Việt Nam có xu hướng đi xuống. Nhận định này có vẻ khác với con số thống kê chính thức là quý này tăng trưởng cao hơn quý kia.
Theo phân tích của ông, nếu loại bỏ yếu tố mùa vụ, đỉnh của kinh tế Việt Nam trong chu kỳ ngắn hạn chính là khoảng quý II/2015. Từ đó tới nay nó đang có xu hướng đi xuống để kết thúc một chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn. Đây là điều mà không một nhà phân tích nào đề cập tới.
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Đưa ra khẳng định này, ông căn cứ vào 4 chỉ báo. Thứ nhất là chỉ số tài chính, nếu lấy chỉ số chứng khoán quy định thành điểm 100 thì chỉ số này đang có xu hướng đi xuống. Thứ hai, chỉ số giá đầu vào nhập khẩu, gồm cả giá máy móc thiết bị và nguyên liệu cũng có xu hướng đi xuống rất mạnh.
Thứ ba, là chỉ số PMI, chỉ số các hợp đồng giao hàng bắt đầu từ tháng 10, 11, 12 đều suy giảm dưới 50 điểm hoặc xấp xỉ 50 điểm. Thứ tư là chỉ số hoạt động kinh doanh, bắt đầu từ năm 2015 cũng đã có xu hướng đi xuống. Thế nhưng theo ông rất may mắn nó lại là kết thúc một chu kỳ ngắn hạn đi xuống trong một xu thế đi lên dài hạn. Đó là điều rất quan trọng.
“Khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng nhấn mạnh một yếu tố, đó là rất có thể xu hướng đi xuống này kéo dài đến hết quý I/2016, từ quý II/2016 nền kinh tế bắt đầu trở lại xu hướng đi lên. Điều này khiến cho chúng ta có cảm giác ngay trong quý I có thể có những yếu tố mà nếu không kiên định hoặc không tìm hiểu kỹ mô hình này sẽ thấy có yếu tố bi quan: DN thì lo ngại, CSTT thì nới lỏng đột ngột, TTCK thì hoang mang. Nhưng nếu chúng ta thấy rằng đây là một xu thế ngắn hạn và xu thế chung là xu thế tăng trưởng dài hạn thì chúng ta có thể kiên định với toàn bộ chính sách kinh tế vĩ mô”, ông Nghĩa nói.
Như vậy, hiện nay kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ kết thúc một chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn và trong xu thế dài hạn đang có xu hướng đi lên. Xu hướng này nếu được các FTA, đặc biệt là TPP và hàng loạt các chính sách về CPH, tái cấu trúc hỗ trợ thì chúng ta có thể duy trì được dư địa tăng trưởng dài hạn. Còn nếu làm không thành công tất cả các vấn đề liên quan, đặc biệt đến tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công và đặc biệt là gánh nặng về nợ công thì chúng ta khó có thể duy trì được chu kỳ tăng trưởng dài hạn.
Vì thế ông Nghĩa dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn chưa hết các khó khăn của năm 2015, vì những gì thuộc về chu kỳ chúng ta không thể làm khác được và không thể phản ứng được. Chúng ta cần phải thận trọng để không đưa ra những cảnh báo lạc quan quá mức.
Nhiều yếu tố tạo áp lực lên thị trường
Bên cạnh bức tranh tổng thể của nền kinh tế, một số yếu tố khác về lãi suất, lạm phát hay tỷ giá cũng tác động mạnh đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán trong năm 2016.
Ảnh minh họa |
Khi nói đến lãi suất phải nói đến lạm phát, trong khi lạm phát năm 2016 chịu tác động bởi các yếu tố lớn hơn nhiều so với năm 2015. Trong đó, đặc biệt có 2 yếu tố là điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Hai dịch vụ này chỉ chiếm có 11% trong rổ hàng hoá để tính CPI nhưng nó được điều chỉnh tới 4 đến 5 lần, lên tới 44% tỷ trọng. Điều này khiến cho tổ điều hành thị trường của Liên Bộ Công Thương, Tài chính đưa ra dự báo việc điều chỉnh hai yếu tố này nếu làm một lần thì có thể làm cho CPI tăng lên 4%.
Song theo tính toán của ông, sẽ không tới mức này. Nếu tính toán một cách bài bản, hai dịch vụ này được điều chỉnh 1 lần, có thể khiến CPI tăng từ 1,9 đến 2,3%. Tuy nhiên, đây là một yếu tố rất lớn tác động lên lãi suất bởi cả năm 2015, CPI nếu tính theo cách của chúng ta chỉ tăng 0,5% và nếu tính theo thông lệ quốc tế khoảng 1%, tính đạo hàm cơ bản khoảng 2,05%.
Riêng yếu tố này sang năm 2016 sẽ làm tăng giá tiêu dùng, chưa kể sắp tới chúng ta sẽ điều chỉnh giá điện. Chính vì vậy, CPI năm 2016 có thể lên 3-4% so với năm 2015. Đây là điều các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán cẩn trọng.
Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với lãi suất khi chỉ số CBS đo rủi ro của TPCP đang có xu hướng đi lên. Chỉ số này cho thấy các NĐT vào TPCP đang lo ngại rủi ro do khả năng xử lý nợ công của Việt Nam.
Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu cũng là một trong những yếu tố tác động rất mạnh đến lãi suất. Ông cho rằng, chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh NSNN không cung tiền và nền tảng pháp lý không được hỗ trợ mạnh nên phải làm từ từ, vừa làm vừa nghe ngóng thị trường.
Chính điều này dẫn đến tình trạng là tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngành Ngân hàng tăng lên. Khi đó dẫn đến 2 vấn đề là khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng giảm xuống, thứ hai là nền tảng tài chính của ngân hàng cũng suy giảm.
Điều này khiến các NHTM khó có thể giảm lãi suất cho vay khi chi phí hoạt động cao như vậy. Hơn nữa, khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM cũng khó khăn nên chính vì thế họ cũng không thể mạo hiểm với thị trường. Bất kỳ sự mạo hiểm của NHTM vào thị trường, kể cả BĐS, TTCK sẽ gặp cảnh báo đỏ ngay lập tức.
“Chúng tôi đã làm việc với Thống đốc NHTW về những vấn đề này và ông ấy cũng rất lo ngại về chuyện này. Thống đốc nói rằng nếu để cho lãi suất tăng lên chỉ cần 1-2% thì mọi nỗ lực lâu nay về tài chính tiền tệ như muối bỏ biển. Nói như vậy để thấy rằng, Thống đốc kiên quyết dùng mọi cách để ổn định lãi suất. Song để làm được điều này nhất định phải có sự hỗ trợ từ TTCK”, ông Nghĩa cho hay.
Áp lực lo ngại nhất trong trung dài hạn là nợ công
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nếu chúng ta không có biện pháp giảm dần thâm hụt ngân sách trong chu kỳ 2016-2020 thì sẽ gặp rủi ro rất lớn về nợ công trong tương lai. Theo công bố nợ công của Việt Nam khoảng 61% GDP. Nhiều ý kiến còn đưa ra so sánh với nợ công của Nhật tới 200%, hay nợ công của Mỹ là 100% GDP nhưng cần thấy rằng nghĩa vụ trả nợ hàng năm từ NSNN của Việt Nam nếu tính toán theo hướng tích cực nhất cũng khoảng 19-20% so với thu NSNN, trong khi của Nhật Bản là 17% và của Mỹ là 14%.
Điều đáng lo ngại là nợ công đang có tốc độ gia tăng rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước, khiến cho việc cân bằng mục tiêu trả nợ cũng gia tăng rất nhanh. Chính vì thế có thể sắp tới sẽ có hàng loạt chính sách khắt khe hơn mà Bộ Tài chính phải thực hiện còn gọi là: Thắt lưng buộc bụng về NSNN để làm giảm nguy cơ đối với nợ công trong tương lai. Có thể trong trung dài hạn, đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại của kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Về hệ thống ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại là chưa thực sự khoẻ mạnh, vững chãi nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thời điểm khó khăn nhất, nguy hiểm nhất của hệ thống ngân hàng đã qua. Vấn đề còn lại là dọn dẹp, làm lành mạnh và hiện đại hoá hệ thống này. |