Đừng hoảng hốt với nợ công
Nợ công đang tăng nhanh
Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam là 2,347 triệu tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD), theo báo cáo mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Với số nợ này, tính theo mức dân số cuối năm 2014 là 90,7 triệu người thì số nợ tính trên bình quân mỗi người dân Việt Nam gần 1.212 USD.
Trong báo cáo điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam công bố ngày 20/7/2014, WB tỏ ra quan ngại khi nợ công đang tăng nhanh. Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014. Và Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017.
“Nợ tăng do thay đổi cơ cấu nợ”, WB nhận định. Sự thay đổi cơ cấu nợ ở đây, theo WB, chính là việc Chính phủ đã phải tăng vay nợ trong nước qua phát hành trái phiếu để bù cho ngân sách, dẫn đến việc nợ trong nước đang tăng nhanh hơn so với nợ vay ưu đãi nước ngoài.
Các tỷ lệ an toàn về nợ công hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát |
Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của WB cho rằng, nợ tăng sẽ gây áp lực trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.
Ý kiến của WB một lần nữa dấy lên nỗi lo nợ công liên quan đến an toàn tài chính. Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh là vấn đề không mới. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng không tỏ ra quan ngại, thậm chí còn tin rằng nợ công sẽ không vượt ngưỡng 65% GDP. Đặc biệt là khi Thủ tướng tại buổi tiếp đại diện của WB gần đây đã cam kết giữ nợ ở dưới mức 65%. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ cơ cấu lại các khoản nợ, giảm bội chi và tập trung số tiền vay nợ vào việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng không nên hốt hoảng để thiếu sáng suốt khi bình luận về vấn đề nợ công hiện nay, bởi các tỷ lệ an toàn vẫn trong tầm kiểm soát nhưng phải nhìn rõ áp lực trả nợ và làm sao đảm bảo được khả năng trả nợ.
Băn khoăn trả nợ
“Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy định nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách hàng năm”. 25% chính là giới hạn đỏ. Nếu vượt qua ngưỡng đó, nguy cơ không trả được nợ tăng lên rất nhanh và sẽ dẫn đến tình huống vỡ nợ. Và năm nay chi trả nợ lên tới 25,9% là đã vượt giới hạn đỏ. Điểm lo ngại là nó còn sẽ tăng tiếp và có thể năm sau lên đến 30%”, TS.Thiên nhấn mạnh.
Cũng cần phải lưu ý rằng nợ công có xu hướng nội địa hóa vì dựa nhiều vào trái phiếu chính phủ thay vì vay ODA nên xuất hiện nguy cơ lãi suất nợ cao hơn, thời hạn trả nợ ngắn hơn ODA.
Áp lực trả nợ hiện rõ ở cơ cấu nợ. Phần lớn nợ trong nước là trái phiếu chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014. Thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu chính phủ ngắn 3,1 năm (2013) và 4,8 năm (2014). Thời hạn ngắn sẽ phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ vay.
Đã vậy, Việt Nam đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất 4,8%, nhưng phần lớn được sử dụng để tái cơ cấu các khoản vay trước đó, theo ông Sebastian Eckardt.
Nhiều chuyên gia khác cũng cùng quan điểm về áp lực trả nợ trong bối cảnh chi thường xuyên tăng lên và dư địa chính sách tài khóa không còn nhiều.
“Vấn đề không phải là chuẩn an toàn nợ công mà vấn đề đặt ra là cần chiến lược tăng cường trả nợ chứ không phải bóp mồm bóp miệng tiết kiệm. Không phải sợ nợ mà dừng không vay, mà phải tạo ra năng lực để trả được nợ”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo WB, mặc dù mức nợ công vẫn nằm trong phạm vi bền vững, song vẫn còn nhiều các khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê một cách đầy đủ. Các khoản nợ này ước tính có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa. Đó là các khoản nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công.
Một khi áp lực trả nợ tăng cao, đảo nợ có thể là một biện pháp tình thế giúp giải quyết được vấn đề, theo nhận định của ông Thiên. Lý giải về sự cần thiết của biện pháp này, ông Thiên lấy Hy Lạp làm ví dụ khi quốc gia này chỉ chậm trả nợ có 1,5 tỷ USD đã bị coi là vỡ nợ.
Cũng cùng lưu ý vấn đề đảm bảo khả năng trả nợ chứ không phải nỗi lo số nợ, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công là mấu chốt của vấn đề. Đầu tư công vẫn chưa được hiệu quả như mong đợi, cùng với đó là năng lực quản lý kém và chi tiêu công thường xuyên vẫn tăng.
TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho rằng, về cơ bản thì cuối cùng vấn đề đặt ra vẫn là phải sử dụng ngân sách thế nào cho hiệu quả. Muốn vậy, phải giảm chi thường xuyên. Hiện, chi thường xuyên quá lớn. "Muốn giữ nợ công bền vững, bảo đảm an ninh tài chính phải chấp nhận đau đớn, mạnh tay giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách”, ông Độ nói, và thêm rằng các biện pháp tiết kiệm khác như chống tham nhũng cũng cần thực hiện triệt để.
Nếu như những vấn đề trên được giải quyết, khả năng trả nợ sẽ bền vững hơn và khi đó nợ công không còn là mối lo ngại.
Việt Nam dứt khoát kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép, dưới ngưỡng 65% theo quy định, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và giảm dần tỷ lệ nợ công sau năm 2017. Chính phủ sẽ tái cấu trúc lại nợ công, xem xét cơ cấu lại tài khóa, giảm bội chi ngân sách theo lộ trình, giảm chi thường xuyên, bảo đảm kế hoạch trả nợ; đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Các khoản vay mới sẽ chỉ tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu; hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng. Lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ tại buổi tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, ngày 24/7/2015 |