Thêm trách nhiệm kìm giữ nợ công
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2016.
Trong Nghị quyết này có một điểm đáng chú ý đối với việc quản lý nợ công là Chính phủ yêu cầu nghiên cứu để chuyển dần từ kênh bảo lãnh Chính phủ sang kênh bảo lãnh của các NHTM đối với các khoản vay nợ.
Ảnh minh họa |
Có thể nói ngay, chủ trương này phù hợp với mong muốn của cơ quan hoạch định chính sách. Bởi khi chuyển giao trách nhiệm bảo lãnh sang cho các NHTM, Chính phủ sẽ không còn phải đứng ra bảo lãnh cho các khoản nợ vay của các DNNN. Việc này không chỉ giúp Chính phủ giảm được gánh nặng nợ công mà còn có tác dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, gián tiếp tác động một cách tích cực đến quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN.
Phân tích cụ thể hơn có thể thấy, hiện nay thực trạng của hoạt động bảo lãnh Chính phủ đang biểu hiện nổi cộm ở hai vấn đề. Thứ nhất, nợ được Chính phủ bảo lãnh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương).
Thứ hai, hiệu quả dự án đầu tư của nhiều khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh không đạt như mong muốn. Mỗi năm giai đoạn 2010-2014 Chính phủ đều phải ứng trả nợ thay cho khoảng vài chục dự án, với số tiền lên tới gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Nhìn nhận một cách khách quan, khi việc bảo lãnh vay nợ của khối DNNN được chuyển dần sang phía các NHTM sẽ làm lành mạnh hoá quan hệ vay mượn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bởi khi không còn được Chính phủ bảo lãnh, các DN sẽ buộc phải tính toán cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với đồng vốn huy động của mình.
Trong khi đó, các NHTM cũng sẽ tiến hành thẩm định kỹ càng dự án đầu tư, năng lực tài chính, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo… trước khi phát hành thư bảo lãnh vay vốn. Điều này làm cho tính thị trường tăng lên trong các quan hệ vay mượn của khối DNNN. Nó cũng là động lực để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá ở các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế.
Như vậy, với lộ trình nghiên cứu, chuyển dần từ kênh bảo lãnh Chính phủ sang bảo lãnh thông qua các NHTM, sắp tới đây, hệ thống NH sẽ phải gánh thêm trách nhiệm phối hợp kìm giữ và hạn chế nợ công. Khi gánh thêm trách nhiệm này, đương nhiên các NHTM sẽ được hưởng lợi từ các khoản phí bảo lãnh vay vốn, nhưng cũng đối mặt với nguy cơ rủi ro một khi các DNNN được bảo lãnh là những DN có tình trạng sức khỏe không tốt, tài chính yếu kém và thua lỗ.
Chính vì vậy, để triển khai được chủ trương này trước hết Chính phủ cần phải lên danh sách bảo lãnh mà Chính phủ đang nắm để chuyển dần sang cho các NHTM. Song song đó, cần phải giao cho các NHTM quyền tự xét duyệt các hồ sơ bảo lãnh mà không phải chịu áp lực chỉ đạo hành chính.
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Tài chính vẫn phải phối hợp tiến hành kiểm tra, giám sát việc vay có bảo lãnh từ NHTM của các DNNN để đảm bảo rằng các dự án được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đầy đủ cơ sở để trả nợ cho đối tác.
Riêng về phía các NHTM, để có thể gánh thêm trách nhiệm hỗ trợ kìm giữ nợ công chắc chắn sẽ phải chủ động đưa ra những mô hình quản trị rủi ro phù hợp với vai trò bảo lãnh vay vốn. Hoạt động này đương nhiên sẽ tạo ra áp lực lớn cho các NHTM, nhưng cũng chính là động lực để các TCTD trong nước khẳng định vị thế của mình, gắn liền thương hiệu NH với uy tín quốc gia thông qua mỗi dự án vay vốn mà NH đứng ra bảo lãnh.