Sẽ tiếp tục thu hẹp DNNN
Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại | |
Loay hoay với cổ phần hoá | |
Từ đầu năm đến ngày 20/10 đã cổ phần hóa thêm được 116 DNNN |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Quyết định số 37 tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, Quyết định số 37 đã phát sinh nhiều vấn đề điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.
Một trong những bất cập đó là việc Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần quá lớn sẽ làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì không thay đổi được quản trị DN như trong các lĩnh vực quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy, cảng biển, công ích... Bên cạnh đó là sự thay đổi các quy định về DNNN tại các Luật dẫn đến thay đổi nội dung và cấu trúc của tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Vì vậy, Dự thảo Quyết định mới quy định danh mục phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước gồm 3 mục: Những DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; những DN do Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên và những DN nắm giữ trên 50% tới dưới 65% tổng số cổ phần.
Như vậy, với dự thảo mới, cách phân loại DN nắm giữ tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ thay đổi, không còn DN nắm giữ từ 75% vốn Nhà nước trở lên và loại DN nắm giữ từ 65% tới 75% vốn Nhà nước.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020 có 378 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với các hình thức sắp xếp dự kiến là: 184 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn (chiếm khoảng 48,7%) và 194 DN thuộc diện cổ phần hóa (chiếm 51,3%). |
Dự thảo Quyết định mới cũng điều chỉnh một số ngành trong danh mục. Cụ thể, danh mục do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đã bỏ các ngành: “Sản xuất cung ứng hóa chất độc”, “Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.
Đối với danh mục DN do Nhà nước nắm giữ từ trên 65% tổng số cổ phần, dự thảo Quyết định chuyển “DN bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa”, “vận chuyển hàng không”, “sản xuất thuốc lá điếu”, “cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng” từ danh mục Nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% (tại Quyết định 37) sang danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần (tại dự thảo Quyết định thay thế).
Dự thảo cũng loại bỏ “quản lý khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia và cửa ngõ quốc tế”, “chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên”, “bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” và “quản lý bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa”, “bán buôn thuốc phòng, chữa bệnh”.
Đối với danh mục do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65%, dự thảo loại bỏ ngành “sản xuất vaccine sinh phẩm y tế, vaccine thú y”, “sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, “điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên”, “sản xuất, lưu trữ giống gốc cây trồng vật nuôi; trồng và chế biến cao su, cà phê, trồng và quản lý rừng trồng tại đại bàn không gắn với quốc phòng, an ninh”, “vận tải biển, vận tải đường sắt”, “sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích”.
Những ngành bị loại bỏ trên có nghĩa là Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối để khối tư nhân có đủ điều kiện tham gia làm chủ DN.
Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo đạo đổi mới và phát triển DN về việc cho ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ hôm 3/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để tiếp tục phân loại, rà soát kỹ các lĩnh vực trong mỗi ngành để cổ phần hóa, thoái vốn, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.