Số lượng ngân hàng, bao nhiêu là phù hợp
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Sáp nhập Ngân hàng: Phương án tối ưu tái cơ cấu TCTD | |
Tái cơ cấu TCTD đang đi đúng hướng |
Sau gần 5 năm triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011 – 2015, diện mạo toàn hệ thống NH đã có nhiều thay đổi. Từ con số 42, đến nay, số lượng NHTM rút về còn 34. Kèm theo đó, chất lượng tài sản, hệ số tài chính, nhất là quy mô tổng tài sản của nhiều NH nâng lên đáng kể thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập. “Phải thu gọn, giảm số lượng NHTM để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ” là quan điểm của TS. Trần Du Lịch khi bàn luận về xu hướng phát triển của hệ thống NH giai đoạn tới. Theo vị chuyên gia này, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng một vài NH lớn mang tầm cỡ khu vực để khẳng định vị thế và thương hiệu trên thị trường tài chính quốc tế.
Chất lượng dịch vụ vẫn sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các NH |
Thực tế cho thấy thị phần bán buôn, ưu thế thuộc về các NHTMCP có yếu tố nhà nước hoặc có quy mô lớn. Còn thị phần bán lẻ, tuy tiềm năng khá lớn nhưng lại có quá nhiều NH tham gia khiến khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Nhưng đối với các NHTMCP cỡ nhỏ, uy tín chưa cao, sản phẩm dịch vụ hạn chế thì khả năng cạnh tranh rất hạn chế.
Trước áp lực kinh doanh, các NH phải chạy đua để giành giật “miếng bánh” đó nên sẽ không loại trừ khả năng họ sẽ sử dụng “chiêu bài” có thể ảnh hưởng đến tính lành mạnh trong hoạt động NH. Do đó, theo quan điểm của một chuyên gia NH, từ nay đến năm 2020, cần thiết phải sắp xếp hệ thống NH ngày càng gọn gàng hơn. Có thể, số lượng NH chỉ nên duy trì dưới 20 NH với quy mô lớn. Không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… sau khủng hoảng tài chính, là giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt hệ thống NH. Một trong số các giải pháp đó là cắt giảm số lượng NH. Thực tế đã chứng minh rằng, các NH lớn thì khả năng có thể chịu được cú sốc khủng hoảng tốt hơn.
Cho rằng mục tiêu trên là cần thiết, tuy nhiên, theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, hệ thống NH không chỉ cần những NH to mà còn phải đảm bảo sức khoẻ tốt để tiếp tục phát triển. Bởi không chắc NH to đã khoẻ bằng những NH nhỏ có nền tảng tốt, phát triển.
Đồng tình cho rằng, NH quy mô lớn có lợi thế cạnh tranh tốt; nền tảng tài chính vững giảm thiểu rủi ro hơn nhưng, theo nhận định TS. Võ Trí Thành, việc để nhiều NH quá lớn cũng có cái dở. Ví dụ khi hệ thống xảy ra chuyện, chắc chắn sẽ khó xử hơn NH nhỏ rất nhiều. Nhất là hiện tại, thị trường tài chính Việt Nam đang dựa quá nhiều vào NH. “Cho nên giữa việc áp đặt điều tiết và để dư địa rộng mở cho thị trường tự vận động vẫn còn là cuộc tranh luận lớn”, TS. Thành bình luận thêm.
Và đến nay, vấn đề nên có bao nhiêu NH là phù hợp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, câu chuyện lớn hơn khi bàn đến tính hiệu quả của hoạt động hệ thống NH, người ta thường không quan tâm đến số lượng NH nhiều hay ít, điều mà họ nhắm đến là độ bao phủ tài chính NH toàn diện đến đâu, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân như thế nào với chi phí hợp lý không.
“Không nên quá cứng nhắc áp đặt số lượng NH. Nếu như trong hệ thống có 30 NH mà tất các NH này hoạt động lành mạnh, cạnh tranh tốt thì chẳng có vấn đề gì”, là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực. Có thể một số NH tập trung khu vực nông thôn, hay có những NH hướng đến ngành, lĩnh vực đặc thù khác, nhưng theo TS. Lực miễn sao là NH đó khai thác hiệu quả phân khúc mình hướng tới, càng nhiều đối tượng tiếp cận dịch vụ càng tốt. Hiện tại, Việt Nam đang muốn phát triển tài chính toàn diện, thì điều này lại cần được khuyến khích.
Về góc độ này, TS. Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm và ông lấy dẫn chứng như Đài Loan tuy là nền kinh tế không quá lớn nhưng lại có rất nhiều NH, các dịch vụ tài chính đa dạng mang tính cạnh tranh cao, bao phủ toàn diện. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên việc Đài Loan phát triển số lượng NH lớn như vậy. Đặc trưng nền kinh tế Đài Loan là dựa vào DNNVV cho nên họ cần có số lượng đông đảo các NH đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của DN. Quan trọng nữa là khả năng giám sát hệ thống NH khá tốt.
Đối với vấn đề tới đây có nên thu hẹp hay mở rộng các NH, theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, trong giai đoạn tái cơ cấu không phân biệt NH lớn nhỏ. NH lớn cũng như NH nhỏ mà hoạt động không hiệu quả thì đều phải tái cơ cấu. Còn các NH thực hiện tái cơ cấu như thế nào, trước hết để các NH chủ động lựa chọn tự tái cơ cấu hay thực hiện M&A để nâng cao năng lực tài chính chứ không nên áp đặt. Chỉ khi các NH không thể thực hiện được tái cơ cấu mà có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống, thì mới nên áp dụng các phương án bắt buộc. Vì nếu ép giảm xuống dưới con số ấn định nào đó sẽ rất có thể làm nảy sinh một cuộc chạy đua M&A ảnh hưởng đến chất lượng tái cơ cấu NH. Trong khi mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu là lành mạnh hoá hệ thống, tăng hiệu quả hoạt động mà vẫn đảm bảo mức độ cạnh tranh cộng với độ bao phủ của tài chính toàn diện đối với người dân, DN và nền kinh tế.
Dù số lượng NH Việt Nam sẽ tăng lên hay giảm đi, thì sự minh bạch, cạnh tranh là một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập, đảm bảo NH hoà nhập không hoà tan. Theo TS. Võ Trí Thành, chất lượng dịch vụ vẫn sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các NH. Do đó, NH nào có công nghệ tốt, không ngừng sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao và quản trị bền vững thì sẽ phát triển mạnh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như vững bước trên con đường hội nhập với kinh tế thế giới trong tương lai.
Theo TS. Võ Trí Thành, dù số lượng NH Việt Nam sẽ tăng lên hay giảm đi, thì sự minh bạch, cạnh tranh là một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập, đảm bảo NH hoà nhập không hoà tan. Chất lượng dịch vụ vẫn sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các NH. Do đó, NH nào có công nghệ tốt, không ngừng sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao và quản trị bền vững thì sẽ phát triển mạnh. |