Start-up sắp có điểm tựa
Điểm đến cho khởi nghiệp | |
Tạo đà cho startup Việt | |
Khởi nghiệp- cuộc chơi bão táp của giới trẻ |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm chỉ có khoảng vài chục DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ trong và ngoài nước có đăng ký thành lập. Để khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo (start-up), việc tạo lập hành lang pháp lý cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này là hết sức cần thiết.
Cung - cầu lệch nhịp do thiếu luật
Báo cáo 2016 Start-up Deals Vietnam của tổ chức Topica Founder Institue cho thấy, trong năm 2016, các DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã thu hút được 205 triệu USD từ các NĐT, chủ yếu từ các quỹ đầu tư ngoại hoặc NH đầu tư chuyên nghiệp, quy mô lớn. Nhưng số lượng start-up gọi vốn thành công này rất khiêm tốn, chỉ khoảng 50 công ty. Trong khi đó, nhiều NĐT trong nước như các công ty lớn, các NĐT cá nhân cũng có nhu cầu muốn bỏ vốn đầu tư cho khởi nghiệp nhưng lúng túng trong việc thành lập quỹ, tổ chức hình thức đầu tư. Chính vì vậy rất nhiều công ty start-up khác có nhu cầu huy động vốn ban đầu chưa gặp được dòng vốn tiềm năng này.
Thiếu vốn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với các start-up |
Đó là lý do thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gấp rút xây dựng nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo để tạo bệ đỡ vững chắc cho các start-up.Cơ quan này cho biết, hiện nay ngoại trừ Điều 18 của Luật Hỗ trợ DNNVV thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, nghị định vừa được công bố và lấy ý kiến đóng góp sẽ là bước cụ thể hoá các chủ trương, chính sách đã có trong luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thời gian qua được thực hiện thông qua 3 kênh chính. Đó là các NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài bỏ vốn đầu tư vào các cá nhân, nhóm cá nhân hoặc các công ty khởi nghiệp tiềm năng; một số NĐT thành lập công ty theo Luật DN để thực hiện hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; NĐT góp vốn vào quỹ đầu tư.
Tuy nhiên thực tế là việc thành lập một công ty để chuyên đi đầu tư vào các DN khởi nghiệp sáng tạo chưa được quy định ở văn bản nào. Hiện nay, mới chỉ có các quy định dành cho các tổ chức chuyên biệt về đầu tư tài chính như công ty tài chính, công ty đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phi ngân hàng…là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo các luật liên quan.
Đối với việc đầu tư vào quỹ, mới chỉ có khung pháp lý quy định thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, đối tượng của Luật Chứng khoán là quy định các NĐT tham gia và có hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên các quy định để thành lập, hoạt động quỹ rất chặt chẽ. Các quy định này là chưa phù hợp cũng như không tạo điều kiện để khuyến khích các NĐT tư nhân cùng nhau góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, cần thiết có quy định riêng phù hợp để xác định địa vị pháp lý cho loại hình quỹ này, từ đó khuyến khích NĐT thực hiện đầu tư cho các start-up.
Cả Nhà nước và tư nhân cùng làm
Cơ quan soạn thảo nghị định cho biết, các khoản đầu tư vào start-up thường không lớn, khoảng từ 5.000-50.000 USD tại vòng gọi vốn đầu tiên. Chính vì bản chất rủi ro lớn của các start-up và quy mô đầu tư tương đối nhỏ nên các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn NH, huy động từ các quỹ, công ty đầu tư chứng khoán hầu như là không thể. Các đơn vị này thường không mặn mà với việc đầu tư từ giai đoạn khởi đầu vì đây là các khoản đầu tư có mức độ rủi ro rất cao, quy mô nhỏ, chi phí thực hiện lớn.
Cũng chính vì mức độ rủi ro của hoạt động này, cần một số yêu cầu và nguyên tắc nhất định để điều chỉnh, bảo vệ NĐT tránh bị trục lợi, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Chẳng hạn quy định về giới hạn số lượng NĐT tối đa của một quỹ; một số nguyên tắc tuân thủ và hạn chế đầu tư (chỉ đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo chưa niêm yết, không đầu tư vào bất động sản, chứng khoán của các công ty trên sàn, không dùng tài sản của quỹ để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh cho vay…).
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết thêm, ngoài các hình thức đầu tư hợp pháp hiện tại, nghị định đã đưa ra các quy định khuyến khích NĐT áp dụng thêm2 mô hình tổ chức là công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Điểm đáng chú ý khác là nghị định quy định cơ chế đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước.
Để huy động nguồn vốn tư nhân rót vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo nghị định đề xuất 2 phương án nhằm miễn, giảm thuế thu nhập có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.Trong đó, phương án 1 ưu đãi thuế theo khoản đầu tư; phương án 2 ưu đãi thuế theo đối tượng.
Ngoài ra, dự thảo nghị định quy định cơ chế đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện thông qua hình thức xây dựng Đề án đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo, thẩm quyền quyết định thuộc chính quyền địa phương có sự tham vấn của các bộ, ngành liên quan. Đề án lựa chọn các đối tác là các NĐT cho khởi nghiệp sáng tạo chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức ươm tạo… Theo đó, đối tác sẽ tự thẩm định, đưa ra quyết định lựa chọn DN start-up, cơ quan chủ trì đề án của địa phương căn cứ vào thẩm định, lựa chọn của đối tác để quyết định cùng đầu tư theo, tối đa 30% tổng vốn đầu tư mà start-up huy động được, đồng thời tiến hành thoái vốn trong vòng 5 năm để dành nguồn ngân sách hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp khác.