Điểm đến cho khởi nghiệp
TP.HCM: Hỗ trợ gần 500 dự án khởi nghiệp | |
Tạo đà cho startup Việt |
Chính quyền đồng hành
Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng hình thành khá chậm, nếu so với những đô thị lớn như, TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Đến năm 2015, hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương mới bắt đầu hình thành. Đây cũng là thời điểm Đà Nẵng ra mắt Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp đầu tiên của cả nước, thực hiện chức năng điều phối, kết nối, định hướng các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng đang có nhiều khởi sắc |
Ngay sau đó, Vườn ươm DN thành phố cũng được ra đời với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES), với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng; Bên cạnh, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, không gian làm việc chung lần lượt ra đời... Tất cả đã khiến hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng trở nên sôi động, lan tỏa mạnh mẽ.
Để có được những lan tỏa, phát triển mạnh mẽ đó việc hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hiệp hội DN, tổ chức xã hội và bản thân từng DN trên địa bàn. Đà Nẵng đã chọn những hướng đi đột phá, khác biệt so với địa phương khác. Đơn cử như việc thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển cho DN tư nhân, DNNVV...
Đồng thời, xây dựng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên để các em có thể tự tạo việc làm cho mình, cho xã hội, khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh vươn lên làm giàu. Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình Vườn ươm DN trên cơ sở hợp tác công tư đầu tiên của cả nước.
Chức năng chính của Vườn ươm là thực hiện ươm tạo ý tưởng, đề án đáp ứng điều kiện quy định thông qua hình thức xét tuyển, hỗ trợ mặt bằng hoạt động; Thực hiện tư vấn, đào tạo các dịch vụ về khởi nghiệp, quản trị DN, quản trị tài chính... Đồng thời, thực hiện đầu tư các dự án khởi nghiệp trên địa bàn.
Đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp, chính quyền thành phố còn tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thành phố đã xây dựng được mạng lưới liên kết hợp tác với các nhà đầu tư, chương trình ươm tạo quốc tế như, chương trình sáng kiến Mekong MBI của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chương trình Đổi mới và Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), dự án Sáng kiến khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), Viện Nghiên cứu khởi nghiệp Zifet (Đức), Đại học Arizona (Mỹ)…
Với việc xây dựng được mạng lưới kết nối quốc tế đã giúp phát triển các chương trình khởi nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, trên các lĩnh vực quan trọng như, vận động nguồn tài trợ, đào tạo nhân sự, hỗ trợ tư vấn, công nghệ…
Điểm đến khởi nghiệp
Có thể khẳng định, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng đã có những bước phát triển và hiệu quả. Bên cạnh, DNES nhiều trung tâm sáng tạo, chương trình ươm tạo, không gian làm việc chung đã ra đời. Một số dự án khởi nghiệp đã thu được những kết quả ban đầu. Trong đó, có dự án đạt giải cao trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo toàn quốc. Có sản phẩm sáng tạo của DN khởi nghiệp đã được sử dụng làm tặng phẩm biểu trưng của TP. Đà Nẵng...
Tiếp sức cho tinh thần khởi nghiệp, Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2017 với chủ đề “Công nghệ và Hệ sinh thái khởi nghiệp”, đã diễn ra vào cuối tháng 7/2017.
Đây được coi là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khi thu hút hơn 2 nghìn lượt người tham dự với hơn 70 gian hàng. SURF là sự kiện được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2016, nhằm quy tụ tất cả các thành tố của hệ sinh thái, cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra định hướng, giải pháp phát triển môi trường khởi nghiệp Đà Nẵng. Đặc biệt, sự kiện không chỉ tập hợp các hệ sinh thái trong nước mà còn có sự tham gia của một số nước trên thế giới…
Theo ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế - xã hội, TP. Đà Nẵng đã ban hành đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế của khu vực ASEAN.
Theo đó, những định hướng lớn mà Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện: Tăng cường xây dựng văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức và đam mê của tuổi trẻ Đà Nẵng về khởi nghiệp; Tiếp tục hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư tại địa phương; Đẩy mạnh hoạt động của các vườn ươm DN, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển khởi nghiệp;
Thúc đẩy xây dựng và phát triển mạng lưới đào tạo khởi nghiệp nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; Đồng thời, tiếp tục mở rộng hợp tác, liên kết nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhân rộng mô hình hợp tác 3 bên chính quyền - trường học - DN...
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã xây dựng Chương trình phát động phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên”, thu hút hơn 1 nghìn sinh viên tham gia.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển DN đến năm 2020 gắn với các hoạt động khởi nghiệp. Hỗ trợ các trường xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp, trước mắt hỗ trợ Đại học Đông Á xây dựng Vườn ươm; Lựa chọn một trường THPT để chủ trì tổ chức cuộc thi khởi nghiệp/đổi mới sáng tạo dành cho học sinh trung học trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên, để Đà Nẵng thực sự trở thành điểm đến khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế của khu vực ASEAN, là một chặng đường dài, với không ít những gian khó. Bởi vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp cả trong nước lẫn bạn bè quốc tế.