Khởi nghiệp- cuộc chơi bão táp của giới trẻ
Thúc đẩy khởi nghiệp - Thách thức đợi Chính phủ | |
Tiếp sức cho tinh thần khởi nghiệp |
Có thể kể đến những mô hình khởi nghiệp nổi danh của Việt Nam như Zalo (ứng dụng gọi, nhắn tin trên nền tảng Internet), Cốc Cốc (trình duyệt web), Lozi (trang web về ẩm thực), Monkey Junior (phần mềm dạy trẻ học tiếng Anh), Momo (ví điện tử), Rudicaf Dating (ứng dụng đặt lịch hẹn hò)…
Tuy nhiên, điều nhìn thấy không phải là tất cả! Khởi nghiệp không chỉ nằm vẻn vẹn ở hai chữ “ý tưởng” như lớp trẻ vẫn tưởng tượng khi đọc về các tấm gương doanh nhân trẻ được vinh danh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ảnh minh họa |
Đằng sau đó là cả một hành trình mà nếu không biết cách triển khai để xác lập mô hình quản trị kinh doanh, kêu gọi đầu tư hỗ trợ vốn, tìm kiếm khách hàng mục tiêu, đánh giá tiềm năng thị trường, khai thác truyền thông… và đặc biệt là sự kiên định, quyết tâm với con đường mình chọn, thì từ ý tưởng sẽ không thể nào đi đến đích thành công.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào các trường học, từ bậc phổ thông cho tới giáo dục đại học nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng bước đầu cho thanh niên, góp phần nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng, qua đó nhen lên ngọn lửa khát vọng khởi nghiệp.
Với ứng dụng Money Lover, CEO Ngô Xuân Huy mong muốn tạo nên một “trợ lý tài chính” ảo để giúp giới trẻ từ 22-30 tuổi lập kế hoạch tài chính và quản lý chi tiêu một cách hiệu quả. Money Lover ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo giúp thu thập và phân tích mọi hành vi người dùng.
Tiếp đến, trên nền tảng dữ liệu này, hệ thống sẽ đưa ra các gợi ý điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp với những kế hoạch mà người dùng đề ra. Bên cạnh đó, Money Lover sẽ phối hợp với nhiều ngân hàng để biết được những chương trình gửi tiết kiệm hay vay vốn lãi suất ưu đãi, giới thiệu những sản phẩm tài chính tốt nhất đến người dùng.
Với JupViec.vn, CEO Phan Hồng Minh của Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ Nhà sạch HMC quyết tâm xây dựng JupViec.vn để giúp những người phụ nữ Việt, các bà nội trợ, những người phụ nữ nông thôn tay lấm chân bùn có được việc làm ổn định, phù hợp trình độ và cải thiện thu nhập lâu dài.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lao động phổ thông sẽ giúp kết nối cung cầu nhanh chóng, xây dựng hệ thống dữ liệu phong phú cho người dùng lựa chọn và kiểm soát. JupViec.vn tạo nên góc nhìn mới mẻ, thân thiện về dịch vụ giúp việc gia đình với chi phí hợp lý, tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi từ xã hội, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.
Có thể thấy, năm 2016 chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp thành lập mới của Việt Nam đạt đến con số kỷ lục hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Đó là kết quả có được nhờ vào hàng loạt những thay đổi trong chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp và đầu tư.
Khái niệm khởi nghiệp (start up) giờ đây đã không còn quá xa lạ, nhất là khi năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai.
Từ đó, một dòng chảy “khởi nghiệp” như được khơi thông đã tràn qua mọi lĩnh vực và lan tỏa khắp cả nước. “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp" là 8 chữ vàng định hình cho hướng phát triển của đất nước sau này mà việc khơi thông dòng chảy khởi nghiệp trong tinh thần của thế hệ trẻ là cách để chúng ta phát huy tối đa sức mạnh của nhóm “dân số vàng” nhằm xây dựng nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hiện nước ta có khoảng 23 triệu thanh niên, và đây vẫn là đối tượng có tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm gần 8% người thất nghiệp. Khơi dậy được khát vọng lập thân, thúc đẩy tinh thần khởi sự doanh nghiệp của lớp thanh niên này, sẽ tạo ra nhiều việc làm, mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ.
Nhận thấy một chiến lược quốc gia về khởi nghiệp nhằm phát triển bền vững và góp phần giải quyết việc làm là vấn đề cấp thiết, Chính phủ đã có những chuyển dịch kịp thời trong chủ trương, chính sách nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng như đặt khởi nghiệp sáng tạo là 1 trong 3 mục tiêu hỗ trợ trọng tâm trong giai đoạn tới, tổ chức các festival khởi nghiệp, xây dựng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”...
Gần đây, ngày 14/3/2017, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng đã chính thức được thành lập. Một hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành với số lượng các vườn ươm, cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ngày một gia tăng hướng tới mục tiêu quốc gia khởi nghiệp với khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm.
Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn rất non trẻ, nhưng đây vẫn là những bước chuyển dịch đầu tiên nhằm lát những viên gạch nền để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên Việt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bắt kịp với thế giới mà chỉ thế hệ thanh niên mới có cơ hội để thực hiện.
Dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm, để đưa ra những ý tưởng đột phá, những mô hình kinh doanh mới có tầm nhìn chiến lược, khởi nghiệp sẽ không chỉ đơn giản là theo đuổi đam mê và làm giàu cho bản thân, mà còn là làm giàu cho xã hội, cho đất nước.
Giới trẻ là lực lượng vàng của xã hội, là nguồn nhân lực quyết định sức mạnh quốc gia, mà khởi nghiệp chính là cách để họ phát huy trí tuệ và tài năng sáng tạo, từ đó tạo nên sức bật, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.