Starup Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?
Chờ bước đột phá từ khởi nghiệp sáng tạo | |
DNNVV và khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn |
Khối công nghệ đi đầu
Trong các lĩnh vực, lĩnh vực công nghệ vẫn giữ vững phong độ khi là lĩnh vực có nhiều startup gọi vốn triệu USD thành công nhất. Về thương mại điện tử, công ty Leflair - chủ đầu tư một trang web mua sắm hàng hiệu trực tuyến tại Việt Nam vừa thông báo nhận được 7 triệu USD từ 2 quỹ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia).
Được vận hành trên nền tảng sử dụng mô hình bán hàng flash-sale đã thành công ở thị trường châu Âu và Trung Quốc, Lefair chuyên phân phối các sản phẩm thời trang, làm đẹp và nhà cửa từ các thương hiệu trung và cao cấp trên toàn thế giới đến Việt Nam với mức giá giảm.
Chỉ riêng trong 3 năm gần đây, Leflair đã đạt tốc độ tăng trưởng 100%/năm về doanh thu. Sau 4 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã ký kết hợp tác với hơn 1.500 thương hiệu trong và ngoài nước. “Đây chính là lý do các nhà đầu tư ngoại gật đầu với chúng tôi”, đại diện Leflair cho biết.
WeFit - doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trên nền tảng ứng dụng di động cũng cho biết, vừa gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư cá nhân khác.
JAMJA cũng vừa hoàn tất vòng gọi vốn bridge round trị giá 1 triệu USD từ CyberAgent Capital và Bon Angels. Ông Lê Hùng Việt - CEO ứng dụng đặt chỗ giảm giá cho hay, khoản vốn sẽ giúp JAMJA giữ đà tăng trưởng nhanh trong thời gian qua để chuẩn bị sẵn sàng cho vòng gọi vốn series A chính thức sắp tới.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia tài chính, sự phát triển của ngành fintech (công nghệ tài chính) sẽ là xu hướng chính của ngành công nghệ trong năm 2019 và kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác thành một hệ sinh thái. Ngay từ đầu năm 2019, xu hướng này đã có bước phát triển mạnh mẽ khi nhiều startup fintech gọi vốn thành công.
Tại vòng gọi vốn đầu tư lần thứ 3 vừa qua, startup fintech chuyên về thanh toán di động - ví điện tử MoMo đã nhận thêm vốn đầu tư thành công từ nhà đầu tư ngoại Warburg Pincus (Mỹ). Dù theo cam kết bảo mật giữa hai bên, giá trị khoản đầu tư cũng như tỷ lệ sở hữu của quỹ không được tiết lộ nhưng được biết 4 khoản đầu tư mà Warburg Pincus rót vốn tại thị trường Việt Nam bao gồm Vincom Retail, Lodgis, Techcombank và BW Industrial Development JSC đều có số vốn không dưới 100 triệu USD.
Trước đó, ví điện tử MoMo cũng đã nhận khoản đầu tư 28 triệu USD của hai đối tác ngoại (Goldman Sachs 3 triệu USD, Standard Chartered Private Equity 25 triệu USD).
Nếu như năm 2018, thương vụ “rót vốn” của Tiki.vn, Sendo.vn thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường thương mại điện tử của Việt Nam thì thành công từ “thương vụ trăm triệu USD” của MoMo mở màn cho năm 2019 tiếp tục khẳng định tiềm năng và tương lai của ngành thanh toán di động nói riêng và Fintech nói chung tại Việt Nam.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo cho biết, tính đến nay, MoMo đã có gần 10 triệu lượt tải ứng dụng. Đồng thời, MoMo cũng là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Với hơn 100.000 điểm thanh toán trên cả nước và phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng, MoMo đang trở thành một trong những ví điện tử có mạng lưới và lượng người dùng đứng đầu thị trường vào thời điểm hiện tại. Năm 2018, MoMo là công ty fintech duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách Top 100 fintech thế giới do KPMG công bố.“Đây cũng chính là lý do khiến Warburg Pincus mở hầu bao”, ông Đức lý giải.
Ngày càng hấp dẫn
Theo Báo cáo thống kê tình hình đầu tư vào startup Việt do Topica Founder Institute (TFI) thực hiện cho thấy, nếu như trong năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Thì tới năm 2018, cùng số lượng thương vụ tiếp nhận là 92 nhưng tổng số vốn đầu tư vào startup Việt đã lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước.
Ông Dzung Nguyễn - Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan cho rằng, thành công của cộng đồng startup Việt trong năm 2018 hứa hẹn 2019 cũng là năm sôi động hoạt động đầu tư của các quỹ ngoại tại nhiều dự án khởi nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ về lý do quyết định đầu tư vào các startup Việt, ông Jaewoong Lee, nhà sáng lập quỹ Soqri Hàn Quốc cho rằng, hiện nay hiện nay thị trường Hàn Quốc định hình khá rõ nét, các quy định và luật chặt chẽ, cùng sự chiếm lĩnh của những dự án khởi nghiệp lớn như Kakao, Coupang, Socar hay Woowa Brothers khiến nhà đầu tư cũng như các dự án khởi nghiệp mới khó có cơ hội thành công hơn.
“Chúng tôi khá chậm chân trong việc đầu tư ra nước ngoài, nên những thị trường như Singapore, Indonesia hay Malaysia đã có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc tham gia, vì vậy chúng tôi lựa chọn Việt Nam,” ông Lee chia sẻ.
Còn theo ông Dzung Nguyễn, sức mua và tính thời điểm là hai yếu tố khiến các startup Việt ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Nếu trước đây các doanh nghiệp phải hướng dẫn thị trường, thì hiện nay người dùng đã quen với việc sử dụng dịch vụ như mua bán trực tuyến, thanh toán thẻ, các dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu, dẫn tới dung lượng thị trường tăng.
“Trong khi nền kinh tế Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á tăng trưởng trung bình khoảng 3%, Nhật Bản thậm chí không tăng trưởng, thị trường Indonesia hay Malaysia định giá cao, nhà đầu tư đông, thì Việt Nam rất hấp dẫn vì tăng trưởng tốt, hơn 6%, và định giá các dự án khởi nghiệp ở mức vừa phải”, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành quỹ ESP nhận định.