Sửa soạn để hội nhập
Có lẽ, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu tháng này là thông tin đáng mừng nhất với ngành dệt may Việt Nam. Bởi theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, nếu không có những chính sách mới thì ngành dệt may không còn có được động lực tăng trưởng như mong muốn. Bởi đến thời điểm này, xuất khẩu dệt may vào các thị trường lớn như EU, Mỹ đều đã đến ngưỡng.
Chủ động là điều kiện quan trọng giúp các DN hội nhập thành công |
“Khi không có động lực tăng trưởng đủ mạnh thì chắc chắc dệt may Việt Nam không có cơ hội để tạo ra nhiều việc làm hơn, hay để đạt được ngưỡng 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2035 như chiến lược đã đặt ra”, ông Trường nói. Bởi thế, các DN dệt may trong tư duy đều nhận thức được việc tất yếu phải tham gia mở rộng thêm các thị trường và trong đó, chủ yếu phải dựa vào các cánh cửa được mở bởi FTA mà Việt Nam ký kết.
Để thúc đẩy quá trình này, ngành dệt may Việt Nam đã chủ động tham gia vào rất nhiều hoạt động bên lề (lobby). Từ năm 2011 đến khi kết thúc đàm phán TPP vừa qua, việc tham gia tới 25 vòng chính thức và không chính thức đã giúp ngành dệt may Việt Nam chủ động hiểu và nắm bắt được các yêu cầu đòi hỏi và nội dung của hiệp định.
Đồng thời, quá trình trao đổi và tham vấn với các bên giúp dệt may đánh giá lại được năng lực cạnh tranh của mình, nắm chắc chi tiết những gì Việt Nam làm được hay không làm được cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Hơn nữa, qua các hoạt động lobby giúp ngành dệt may Việt Nam biết được các ý đồ, tín hiệu của các bên, từ đó dự báo được trước nội dung đàm phán. Ví dụ, ngay từ năm 2012 thì ngành dệt may đã biết chắc chắn TPP sẽ đưa ra quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Điều này giúp cho toàn ngành chủ động cả về đầu tư sản xuất sợi, dệt vải, cũng như chuẩn bị kế hoạch thị trường và nhân lực…
Ông Trường cho biết, chính vì theo sát và biết sớm về các yêu cầu như vậy nên từ năm 2013 đến nay, Vinatex tăng cường đầu tư đáp ứng các đòi hỏi của TPP. “Mức đầu tư trong 3 năm qua đã bằng hơn 10 năm trước đó, với mức đầu tư trung bình mỗi năm 8 nghìn tỷ đồng và chủ yếu (80-90%) tập trung vào sợi và dệt”, ông Trường cho biết. Đồng thời, Vinatex đã xác lập các chuỗi bao gồm cả vải và sợi, sẵn sàng đi vào hoạt động...
Không hứng khởi được như dệt may trước các cơ hội từ TPP, ngành dịch vụ vận tải được đánh giá sẽ đối mặt cạnh tranh gay gắt. Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, một trong những thách thức với DN vận tải biển hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt từ các DN nước ngoài, với giá thành vận chuyển rất thấp, trong khi lại trả lương cao để hút chất xám của các DN trong nước.
Với ngành hàng không, Vietnam Airlines thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong vận tải hàng không quốc tế. Đơn cử, trên đường bay Nhật Bản - Việt Nam hiện có 3 hãng khai thác: Japan Airlines, All Nippon Airways và Vietnam Airlines thì Vietnam Airlines chiếm tới 62% thị phần. Tổng công ty này mới đây cũng được tổ chức Skytrack bình chọn vào danh sách 10 hãng hàng không tiến bộ nhất thế giới năm 2015 do việc đưa vào khai thác các máy bay thế hệ mới.
Nhưng theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, cuộc cạnh tranh sẽ không dễ dàng trong thời gian tới. Một ví dụ là hiện Vietnam Airlines chưa biết làm thế nào tăng thêm chuyến đến Paris hay Bắc Kinh…
Không chỉ phải đối mặt với các cuộc “xâm lấn” thị trường và cạnh tranh “chân phương” trên phương diện giá, chất lượng phục vụ… với ngành thép thì thách thức từ hội nhập lại nổi lên ở mảng chống bán phá giá.
Theo thống kê đến năm 2014, Việt Nam có khoảng 52 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, trong đó tới 27 vụ thuộc ngành thép. Riêng tháng 9 vừa qua, Thái Lan có 3 đơn kiện bán phá giá các sản phẩm thép của Việt Nam. Trong khi đó, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc công ty Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam chưa có khả năng ứng phó với các gian lận thương mại, nên phải chịu những thiệt hại rất lớn.
Vấn đề chống bán phá giá là câu chuyện không chỉ của riêng ngành thép. Bởi trong hội nhập và mở cửa, tồn tại một nguy cơ là các DN nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam trong khi các DN Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Do đó, nếu chúng ta không có những tổ chức mạnh để kiểm tra thông tin thị trường các nước xem họ có bán phá giá hay không thì sẽ dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Những trường hợp như ngành dệt may, vận tải và thép vừa nêu cho thấy một xu hướng thay đổi mới đòi hỏi DN phải thích ứng, khi mà “cuộc chơi” hội nhập ngày càng lan rộng. Chiến lược của DN, liên kết tạo sức mạnh và hỗ trợ của Nhà nước và các hiệp hội, ngành hàng… chắc chắn cũng cần phải thay đổi để thích ứng tình hình mới. Theo đó, thời gian không còn nhiều để có thể chùng chình.