Tận dụng tối đa nội lực để thúc đẩy tăng trưởng
Nông nghiệp, thủy sản đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù giá lúa trung bình trong 2 tháng 4 và 5 đã cao hơn so với quý I nhưng sản xuất nông nghiệp quý II gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng thấp. Nắng nóng và thời tiết bất thường khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm. Năng suất lúa đông xuân tại miền Nam giảm 0,8 tạ/ha còn tại miền Bắc giảm 0,3 tạ/ha. Riêng vùng ĐBSCL, năng suất lúa giảm 1,1 tạ/ha. Theo Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ (CPC), một đợt El Nino yếu đã xuất hiện từ tháng 10/2018 và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến tháng 6-7/2019. Còn nhớ, quý I/2016, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, GDP ngành nông nghiệp đã giảm 2,69%.
Nhìn về tương lai, sản xuất điện thoại và công nghiệp điện tử vẫn hy vọng tăng khả quan |
Trong khi đó, ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng và chưa có hồi kết. Lo ngại về dịch bệnh khiến giá lợn giảm rất nhanh. Giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam bộ vào cuối tháng 5 đã rớt xuống khoảng 32 nghìn đồng/kg, giảm gần 40% so với mức đỉnh hồi đầu năm. Dịch bệnh và rớt giá đã khiến tổng đàn lợn cả nước giảm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tổng số lợn phải tiêu hủy vì dịch hiện đã chiếm hơn 6,5% tổng đàn lợn hiện có.
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 cũng chưa có tiến triển và tiếp tục giảm 1,4% so với cùng kỳ và là tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu sang các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc chậm khiến cho giá cá tra giảm mạnh. Vào cuối tháng 5, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã xuống 21-23 nghìn đồng/kg, giảm hơn 10 nghìn đồng/kg so với đỉnh hồi tháng 2. Sản lượng cá tra cũng đã tăng chậm lại, chỉ tăng 6,5% trong tháng 5. Ngược với cá tra, sản lượng tôm vẫn đạt tăng trưởng cao, tăng 11,2% với tôm sú và 12,9% với tôm thẻ chân trắng. Dẫu vậy, xuất khẩu tôm cũng không thuận lợi do gặp cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tôm khác và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu. Giá tôm tại ao đã giảm xuống dưới 90 nghìn đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.
Về mảng dịch vụ, chỉ số bán lẻ 5 tháng đầu năm giảm xuống 8,6%, mức thấp nhất trong 9 tháng. Trong quá khứ, thường có một sự tương đồng khá rõ giữa chỉ số bán lẻ với tăng trưởng kinh tế. Do đó, chỉ số bán lẻ giảm dần trong 5 tháng đầu năm 2019 là một chỉ báo đáng chú ý cho sức cầu tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế của năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong ngành dịch vụ như ở mảng du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam đã có phần tích cực hơn với 1,32 triệu lượt khách trong tháng 5, tăng 14,3% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất 7 tháng. Đáng chú ý là khách Trung Quốc sau nhiều tháng tăng thấp và giảm đã có tăng trưởng khả quan hơn, đạt 13,4%. Nhìn chung, nhóm khách đến từ châu Á vẫn đang mang lại tăng trưởng chính cho du lịch. Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải hàng hóa vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, trong đó vận tải hàng hóa đường biển tiếp tục xu hướng hồi phục rõ nét, tăng 6,5% - mức cao nhất nhiều năm.
Tận dụng xuất khẩu nhưng cũng cần chú ý đến nội lực
“Sức ép với kinh tế Việt Nam đang ngày một gia tăng với những biến số bên ngoài rất khó lường. Trong bối cảnh này việc tận dụng tối đa nội lực, bao gồm nguồn lực tư nhân và nguồn vốn ngân sách cần là ưu tiên số một nhằm tạo sự chủ động và chắc chắn cho tăng trưởng. Những nỗ lực tạo thuận lợi ở bên ngoài cần phải được song hành với những nỗ lực tháo gỡ rào cản ở bên trong mới có thể giúp kinh tế vững bước đi lên”. |
Nhờ điện tử, điện thoại tăng trưởng dương trở lại nên ngành công nghiệp đã có những cải thiện. Xuất khẩu điện thoại tháng 5 tăng 19,5% so với cùng kỳ. Nhìn về tương lai, sản xuất điện thoại và công nghiệp điện tử vẫn còn hy vọng tăng khả quan khi nhập khẩu linh kiện điện thoại trong tháng 5 tăng rất mạnh, 36,2%, mức cao nhất 16 tháng. Sản xuất điện thoại thường có độ trễ 1-2 tháng so với nhập khẩu linh kiện nên sự gia tăng nhập khẩu trong tháng 5 là chỉ báo cho sự gia tăng sản lượng điện thoại vào khoảng cuối quý II, đầu quý III.
Lọc hóa dầu và sản xuất kim loại vẫn là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp. Sản lượng xăng dầu sản xuất trong tháng 5 đạt 1,19 triệu tấn, tăng 80,8% so với cùng kỳ, qua đó giúp chỉ số công nghiệp lọc hóa dầu tăng trưởng rất cao, 106,5%. Sản lượng sắt thép thô đạt 2 triệu tấn, tăng 64,3% và chỉ số công nghiệp sản xuất kim loại tăng 43,4%. Hai sản phẩm này phần lớn được tiêu thụ nội địa. Một điểm tích cực nữa là sản xuất trong nước đã thay thế đáng kể cho nhập khẩu, với nhập khẩu xăng dầu tháng 5 giảm 38%, còn sắt thép chỉ tăng 0,7%.
Ngành dệt may trong những tháng gần đây cũng có phần sa sút dù được cho là hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới ký kết và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tháng 5 đứng ở 10,8%, xấp xỉ như 2 tháng trước đó và thấp hơn khá nhiều cùng kỳ là 23%. Ngành sản xuất giày dép và đồ gỗ có phần khởi sắc hơn, với xuất khẩu 5 tháng tăng lần lượt là 14,3% và 18,3%.
Báo cáo cập nhật kinh tế do Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố khuyến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh tận dụng tối đa cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam cũng cần đặc biệt chú ý đến nội lực mà cụ thể là giải ngân tài khóa. Sau 4 tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt 16% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,4%. Đây có thể coi là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng.
“Sức ép với kinh tế Việt Nam đang ngày một gia tăng với những biến số bên ngoài rất khó lường. Trong bối cảnh này việc tận dụng tối đa nội lực, bao gồm nguồn lực tư nhân và nguồn vốn ngân sách cần là ưu tiên số một nhằm tạo sự chủ động và chắc chắn cho tăng trưởng. Những nỗ lực tạo thuận lợi ở bên ngoài cần phải được song hành với những nỗ lực tháo gỡ rào cản ở bên trong mới có thể giúp kinh tế vững bước đi lên”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, thuộc Công ty SSI nhận định.